Những giải pháp bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số

Bài và ảnh: An Khê
20/08/2024 - 13:28
Những giải pháp bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại vùng DTTS và miền núi là vấn đề cấp thiết

Là khu vực được coi là "lõi nghèo" của đất nước, vấn đề dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) càng đáng lo ngại khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, phát triển thể chất và trí não của trẻ. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trực tiếp nhằm bảo đảm tất cả trẻ em đều được quan tâm, phát triển toàn diện về cả thể trạng và sức khỏe.

Luật gia Đỗ Thị Hải Phượng - Công ty Luật An Ninh chia sẻ, thực trạng hiện nay cho thấy, dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở trẻ vùng DTTS đang diễn ra đáng lo ngại. Suy dinh dưỡng khiến trẻ không đạt được sự tăng trưởng, phát triển bình thường; thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa; gây ra hệ lụy sau này đối với bản thân trẻ, gia đình và xã hội.

Bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Luật gia Đỗ Thị Hải Phượng - Công ty Luật An Ninh

Dinh dưỡng của trẻ em vùng DTTS thường không được bảo đảm ngay từ khi còn trong bụng mẹ, sau đó trong độ tuổi phát triển, trẻ không được và không có điều kiện để chú trọng về dinh dưỡng, thường ăn với chế độ ăn sơ sài, ít đạm, thậm chí chỉ có cơm trắng, hoặc đơn giản chỉ là gói mì tôm pha nước. Chính vì thế, trẻ em vùng DTTS đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cao.

Ngoài ra, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều đáng lo ngại như thực phẩm bị nấm mốc, để lâu ngày đã mọc mầm cũng như việc chế biến, bảo quản đồ ăn vùng DTTS còn chưa được bảo đảm.

Một điều đáng quan ngại gây ảnh hưởng đến thể chất của trẻ là một vài nơi vẫn tồn tại các hủ tục lạc hậu, nhất là tình trạng tảo hôn khiến cho trẻ em sinh ra thể chất sinh bị bé còi hơn tiêu chuẩn. 

Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết, mặc dù ở nhiều trường hợp trẻ không mắc các bệnh bẩm sinh nhưng cũng là lý do khiến cho trẻ suy dinh dưỡng. 

Tỷ lệ phụ nữ DTTS đến khám thai tại các cơ sở y tế thấp hơn phụ nữ người Kinh. Vì thế, việc được tư vấn chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai còn có phần hạn chế - Luật gia Đỗ Thị Hải Phượng thông tin.

Quyết sách đúng đắn, kịp thời

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại vùng DTTS và miền núi là vấn đề cấp thiết. Trước tình hình đó, nhiều chính sách, chương trình hành động mang tính vĩ mô được ban hành nhằm nâng cao tầm vóc trẻ em vùng DTTS như: Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam" nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, trong đó có trẻ em DTTS; Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược)...

Bên cạnh đó, sự chung tay, tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng cho trẻ vùng cao, vùng DTTS. Nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện các cuộc thiện nguyện, với mong muốn mang đến những bữa cơm "có thịt" cho các em, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ DTTS…

Nhờ có chính sách kịp thời và sự chung tay của toàn xã hội, dinh dưỡng cho trẻ vùng cao, vùng DTTS đã cải thiện rõ rệt, cùng với đó nhận thức của người dân, trình độ của cán bộ cũng ngày một nâng cao

Giải pháp đảm bảo sức khỏe cho trẻ em DTTS

Để trẻ vùng cao, vùng DTTS phát triển thể chất và sức khỏe, Luật gia Đỗ Thị Hải Phượng cho rằng cần chú trọng một số vấn đề sau:

- Chính quyền địa phương cần phải làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em DTTS, vận động loại bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân, môi trường; đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn kinh phí của Nhà nước; xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách, cắt xén hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn cho trẻ em DTTS.

- Gắn chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS.

- Phát triển mạng lưới y tế vùng DTTS theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hợp lý; đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh, dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, trẻ em DTTS; xây dựng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn giỏi…

- Duy trì có hiệu quả hoạt động tư vấn cộng đồng, vận động thanh niên DTTS thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ DTTS mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự tham gia, đóng góp, hỗ trợ nguồn lực, kinh phí của các tổ chức trong và ngoài nước, các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt trong việc sản xuất và cung ứng các vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm