pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chị em dân tộc thiểu số làm kinh tế hiệu quả từ mô hình Tổ liên kết nuôi gà ri lai
Chị Trần Thị Đào là một trong những hộ nuôi gà ri lai thành công, đem lại kinh tế ổn định
Đây cũng là một trong những mô hình nhằm thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025" và Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".
"Phất" lên nhờ nuôi gà ri lai
Gia đình chị Bích Việt ở khu 19 xã Tu Vũ trước đây rất vất vả với công việc đồng áng, trồng cây lâm nghiệp. Chăn nuôi gà chỉ để phục vụ thức ăn cho gia đình và bán lẻ một vài con đủ chi tiêu vặt hàng ngày. Thu nhập thấp, hiệu quả kinh tế gia đình không cao.
Năm 2020, gia đình chị được Hội LHPN huyện Thanh Thủy hỗ trợ kinh phí với số vốn 10 triệu đồng và tham gia vào Tổ liên kết nuôi gà ri lai do Hội LHPN xã Tu Vũ thành lập. Tại đây, gia đình chị tiếp tục được Hội LHPN xã kết nối cho vay thêm số vốn là 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, chị được tập huấn kỹ thuật chăm sóc gà thương phẩm; được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các thành viên; được kết nối các lái buôn trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm với giá cao. Hiện tại thu nhập của gia đình chị từ mô hình nuôi gà ri lai là 60-80 triệu đồng/năm.
Cùng với hộ gia đình chị Việt, nhiều hộ gia đình tham gia Tổ liên kết đã dần đổi đời, nâng cao kinh tế gia đình.
Tổ liên kết nuôi gà ri lai thương phẩm được thành lập tháng 12/2020 với 7 hội viên phụ nữ tham gia. Đến nay có 24 thành viên, trong đó có 16 thành viên người dân tộc Mường. Nguồn vốn ban đầu được hỗ trợ là 70 triệu đồng (mỗi chị 10 triệu đồng), gồm 50 triệu đồng do Hội LHPN tỉnh Phú Thọ hỗ trợ và 20 triệu đồng do Hội LHPN huyện Tu Vũ hỗ trợ, vốn tự có của các hộ là 10 triệu đồng/hộ.
Khi mới bắt đầu nuôi, mỗi hộ nuôi 500 con, tái đàn tăng dần từ 500-1.000 con. Hiệu quả từ nuôi gà ri lai thời gian xuất chuồng nhanh, tái đàn sớm, có đầu ra ổn định bởi nguồn cung cấp cho các thương lái tiêu thụ các tỉnh khác. Lợi nhuận thu về sau mỗi đợt xuất chuồng, trừ chi phí, thuốc men, thức ăn, thất thoát con giống thì bình quân mỗi con lãi từ 19-23 nghìn đồng (tùy từng thời điểm). Thu nhập kinh tế mỗi hộ đạt từ hơn 60 - 90 triệu đồng/năm. Đến nay các hộ đã được tiếp cận nguồn vốn và lợi nhuận của các thành viên từ khi tham gia mô hình là 1,5 tỷ đồng.
Mô hình giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu
Chia sẻ về mô hình, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Chủ tịch Hội LHPN xã Tu Vũ cho biết: Với mong muốn giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình, Hội LHPN xã đã khảo sát nhiều mô hình khác nhau.
Qua khảo sát cho thấy, xã có nhiều lợi thế về đất đai, đồi rừng rộng rãi, phù hợp trồng các loại cây, cỏ, lá và các loại cây màu lấy củ, hạt để tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng như chăn, thả vật nuôi trên vườn, đồi. Tuy nhiên, rất nhiều chị em hội viên chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình với tính chất tự phát, nhỏ lẻ.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Hội LHPN xã đã đề xuất với Hội LHPN cấp trên hỗ trợ kinh phí thành lập Tổ liên kết nuôi gà ri lai. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Tổ liên kết được đánh giá rất có hiệu quả cần duy trì và nhân rộng đến ngày hôm nay.
Trong quá trình hoạt động, Tổ liên kết và mô hình của Hội LHPN xã Tu Vũ nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã và các cấp Hội. Các thành viên trong Tổ liên kết được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
"Qua thực tế cho thấy, mô hình rất hiệu quả. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng để giúp hội viên tăng thu nhập, góp phần chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết đem lại lợi nhuận cao nhất. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao", bà Minh Thu cho biết.
Mô hình Tổ liên kết nuôi gà lai ri của phụ nữ ở xã Tu Vũ bước đầu đạt hiệu quả, tạo địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm gà sạch cho thị trường. Đây là cơ hội để hội viên phụ nữ mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Dự án 8.