pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những kỷ niệm không thể nào quên khi đến Trường Sa
Tác giả Nguyễn Thị Bích Nhiệm chụp ảnh cùng chiến sĩ quê Yên Bái, công tác tại nhà giàn DK1
Hải trình đến Trường Sa của chúng tôi bắt đầu với giữa mênh mông, bao la của biển bốn bề sóng vỗ. Ai cũng háo hức lên boong, ra mạn tàu để quan sát lịch trình di chuyển của tàu. Sau bữa cơm trưa ngày đầu tiên trên tàu, tôi và chị em phụ nữ Trung đội 4, đoàn công tác số 6 lại cùng các chiến sĩ trẻ dọn dẹp để chuẩn bị phục cơm tối cho gần 300 đại biểu.
Lúc đầu tàu mới chạy sóng biển khá êm, tôi nghĩ chắc dần sẽ quen với sóng biển. Nhưng tàu càng xa bờ, từng đợt sóng càng lúc càng mạnh hơn, khiến con tàu lắc mạnh. Lúc này mọi người trên boong đã trở về phòng, tàu lắc càng mạnh hơn, đồ đạc trong phòng đổ nghiêng ngả theo độ nghiêng của con tàu. Rồi những cơn say sóng đã đến với những thành viên trong phòng, và nhiều người trên tàu. Ngay lúc đó các anh hải quân đã có mặt tại các phòng để hỗ trợ đại biểu. Hình ảnh chị em cảm động nhất là khi anh Nguyễn Sáng, cán bộ trên tàu ân cần đến từng giường động viên, thu gọn những túi nôn ói của mọi người. Lúc này tôi tóc tai rũ rượi, anh Sáng đã nhanh chóng xé túi bóng để làm dây cột tóc cho tôi…
Sau gần 40 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, con tàu 561 của Hải Quân đã chuẩn bị cập đảo đầu tiên trong chuyến hải trình, đó là đảo Song Tử Tây. Tất cả các thành viên đã sẵn sàng đứng hết hai bên mạn tàu và trên boong. Ai cũng trong tâm trạng hồi hộp, háo hức, mong chờ để gặp những chiến sỹ thân yêu.
Giây phút hồi hộp nhất, tàu thả neo, cả đoàn xuống xuồng để lên đảo, quên mất sự chông chênh, mệt mỏi của những cơn say sóng, chỉ mong nhanh chóng được gặp mọi người trên đảo. Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đứng thành 2 hàng nghiêm trang đón đoàn. Những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt thân thiện khiến chúng tôi cảm nhận cán bộ, chiến sĩ ở đây như những người thân trong gia đình.
Sau khi lãnh đạo các đoàn tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, đoàn đến thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi ai cũng vui mừng vì trên đảo đã có điện sinh hoạt, có sóng điện thoại để liên lạc với người thân và gia đình, có các công trình xây dựng cơ bản. Ngoài việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các chiến sĩ còn tranh thủ trồng thêm rau xanh để cải thiện cuộc sống.
Tiếp tục những ngày sau đó, chúng tôi lần lượt đến thăm các đảo Đá Nam, Đá Thị, Đá lớn C, Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan A, Đá Đông A, Trường Sa, và nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân). Mặc dù tiết trời hôm đó không thuận lợi, tôi và toàn đoàn đã ngấm mệt với nắng, gió và muối biển Trường Sa, nhưng không ai ở lại tàu, vẫn cố gắng được đặt chân lên tất cả các điểm đảo. Vì nơi đó có các chiến sĩ đang chờ đón chúng tôi.
Nhà giàn DK1/7 đón chúng tôi trong nắng sớm tinh tươm, những chiến sĩ hải quân chuyên nghiệp trong thao tác đưa từng người một trong đoàn lên nhà giàn. Nhà giàn sừng sững, hiên ngang giữa biển cả mênh mông, bước chân lên bậc thang đầu tiên, chúng tôi ai cũng tràn đầy niềm tự hào và hạnh phúc với biển trời Trường Sa.
Thật bất ngờ, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn như ở nhà giàn, nhưng các chiến sĩ đã gây dựng nên một vườn rau xanh tốt với đủ loại rau xanh như ở đất liền. Ngoài việc đến thăm động viên cán bộ chiến sĩ trên nhà dàn DK1, bản thân tôi rất vui và xúc động được gặp 3 chiến sĩ người con của quê hương Yên Bái đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn và huyện đảo Trường Sa.
Rời Trường Sa về với đất liền, tôi mang theo trong mình những hồi ức, những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Chúng tôi vẫn nhớ mãi làn da rám nắng, mặn mòi vị biển, nhớ nụ cười hiền hậu cùng ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá của những cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.