Những mảng màu tương phản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số

PVH
25/07/2023 - 09:44
Những mảng màu tương phản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số

Chủ trì Hội nghị gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; các ông Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: PVH

Sáng 25/7, tại tỉnh Yên Bái, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức hội thảo chuyên đề "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" khu vực miền Bắc.

Hội thảo chuyên đề "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" khu vực miền Bắc có sự tham dự của ông Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành khu vực miền Bắc.

Các đại biểu dân hương tại khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học. Ảnh PVH

Trước khi diễn ra hội nghị, các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học tại TP Yên Bái, tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

 Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Năm 2019, Ban Dân vận TW, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh, thành ủy tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với triển khai Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại 03 khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 5 năm qua, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số của khu vực các tỉnh miền Bắc đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội.

Những mảng màu tương phản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số  - Ảnh 3.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao tặng quà lưu niệm cho đại diện lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Ảnh: PVH

Các tỉnh miền Bắc (gồm 25 tỉnh/thành) có vị trí địa - chính trị khá khác biệt so với các vùng, miền khác. Vùng trung du và miền núi phía Bắc - vùng đất "phên dậu" của Tổ quốc với nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, độc đáo và hấp dẫn của cộng đồng các dân tộc thiểu số, song đây lại là vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất so với cả nước.

Theo đó, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là tình trạng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, khó khăn về hạ tầng giao thông, dịch vụ xã hội, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động tiêu cực, đến đời sống người dân, trong đó có phụ nữ. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội như sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tái mù chữ, suy dinh dưỡng, tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ, trẻ em, tiếp cận tài chính, thông tin, pháp luật hay những định kiến giới còn tồn tại dai dẳng đang cản trở sự phát triển bền vững ở khu vực này.

Những mảng màu tương phản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số  - Ảnh 3.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc hội thảo

Tỷ lệ nữ cấp ủy, nữ chủ chốt Hội đồng nhân dân các cấp, nữ bí thư, phó bí thư tăng hơn nhiệm kỳ trước. Nhiều tỉnh được nhắc đến với con số "nhất" của cả nước như Tuyên Quang cao nhất về tỷ lệ nữ cấp ủy tỉnh, Lạng Sơn cao nhất về tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện, Thành phố Hải Phòng cao nhất về cấp ủy cấp cơ sở, Hòa Bình cao nhất về tỷ lệ cấp ủy viên nữ là người dân tộc thiểu số…

Tỉnh Yên Bái cũng là địa phương có nhiều điểm sáng với tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều đạt trên 15%; đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 50% (tăng 16,7% so với nhiệm kỳ trước), xếp hạng 5 trong toàn quốc và hạng ba trong khu vực 25 tỉnh miền Bắc.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, có thể thấy những mảng màu sáng - tối tương phản rõ rệt. Mảng sáng là tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ nữ khá cao, thậm chí cao nhất so với cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; vẫn còn huyện, xã không có cán bộ nữ trong ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ…. 

Theo đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam mong muốn hội nghị có nhiều ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phụ nữ, việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa phương, đặc biệt là phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề…

Những mảng màu tương phản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số  - Ảnh 5.

Ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, phát biểu chào mừng Hội nghị

Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, nhấn mạnh: những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn dành sự quan tâm sâu sắc, ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách quan trọng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, hiện chiếm 62,3% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị và chiếm 45,3% trong tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Tỷ lệ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt 23,8%, tăng 1,3% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp chiếm 22,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước và thuộc nhóm cao trong 63 tỉnh, thành phố…

Những mảng màu tương phản trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số  - Ảnh 6.

Toàn cảnh hội thảo

Đặc biệt, phụ nữ Yên Bái là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Ông Đỗ Đức Duy cũng bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ tỉnh Yên Bái nói riêng sẽ được quan tâm và tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát triển bản thân, gia đình, sự nghiệp, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm