Những người chọn "làm đủ, không làm hơn"

Nga Thanh
14/03/2025 - 19:58
Những người chọn "làm đủ, không làm hơn"

Ảnh minh họa

Những năm đầu mới bước vào công ty, Hoàng Minh, một kỹ sư công nghệ thông tin 26 tuổi (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cống hiến hết mình cho công việc để khẳng định mình.

Thời gian đó, cậu vùi đầu vào làm việc và không có thời gian cho bản thân. Ngày nào, cậu cũng làm đến tận đêm để kịp "deadline" (thời hạn) hết dự án nọ đến dự án kia. Thậm chí, có thời điểm phải nằm viện phẫu thuật, cậu cũng mang máy tính vào bệnh viện để làm. 

Cậu thường xuyên đối diện với áp lực, stress. Hoàng Minh luôn nghĩ, nỗ lực nhiều như vậy thì mình sẽ được ghi nhận. Thế nhưng, kết quả cậu nhận được là… sự kiệt sức. Thu nhập có nhiều hơn nhưng không xứng với việc cậu đã bào mòn sức khoẻ để làm việc. 

Chưa kể, vị trí trưởng nhóm là mục tiêu phấn đấu của cậu lại được sếp giao cho một người vào sau, chuyên môn không giỏi bằng Hoàng Minh.

Phương Anh (25 tuổi, nhân viên mảng nhân sự của một công ty, ở quận Bình Tân, TPHCM) cũng từng là một người luôn sẵn sàng nhận thêm việc, giải quyết các vấn đề ngoài giờ và cố gắng chứng tỏ năng lực với cấp trên. 

Phương Anh luôn nghĩ, mình cố gắng chăm chỉ, thể hiện sự nhiệt huyết thì cơ hội thăng tiến sẽ sớm đến. Nhưng sau 2 năm, điều mà cô nhận được là những cơn đau dạ dày và cảm giác vô dụng khi không thể hoàn thành "núi" công việc. 

Phương Anh cho biết, nhiều ngày, cô phải ở lại công ty làm việc đến 9-10 giờ tối nhưng thu nhập không tăng, cơ hội thăng tiến bị trì hoãn bởi lý do "chờ đợt đánh giá mới" và không có bất kỳ lời cảm ơn nào từ lãnh đạo công ty. 

"Đã có thời gian tôi vắt kiệt sức cho công việc và bỏ bê bản thân. Tôi nhận ra, mình sẽ cân đối lại công việc, làm hết trách nhiệm chứ không ôm đồm nữa. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành công việc trong ngày để dành thời gian cho bản thân vào buổi tối, vào cuối tuần", Phương Anh chia sẻ.

Hoàng Minh, Phương Anh nằm trong số những người trẻ đang theo xu hướng làm đủ trách nhiệm, không nỗ lực vượt mức. Xu hướng này không có nghĩa là bỏ bê công việc mà là từ bỏ tâm lý "cống hiến hết mình một cách vô điều kiện". 

"Tôi không làm ít đi mà chỉ ngừng hy sinh thời gian cá nhân cho những thứ không mang lại giá trị xứng đáng", Phương Anh cho biết.

Lý giải về xu hướng này, các chuyên gia cho biết, thế hệ trước có thể tin rằng nỗ lực sẽ mang lại thành công nhưng nhiều "Gen Z" cho rằng, trong môi trường làm việc hiện đại, sự chăm chỉ không đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến hay tăng lương. 

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ nhận ra không gì quý hơn sức khỏe của bản thân và sự cân bằng cuộc sống. Họ không chọn lối sống làm việc kiệt sức để thành công.

Là quản lý nhân sự của một công ty chuyên về công nghệ ở TPHCM, với phần lớn người lao động thuộc "Gen Z", chị Đặng Thu Thảo cho biết: Việc chọn làm việc đủ trách nhiệm, không cống hiến hết mình diễn ra ở nhiều người trẻ hiện nay. 

Nhưng nếu cả đội chọn cách làm ở mức tối thiểu, công ty sẽ khó phát triển. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết ghi nhận và thưởng xứng đáng cho nỗ lực của nhân viên, thay vì chỉ mong họ hy sinh mà không có sự khích lệ.

Theo các chuyên gia, ở góc độ tích cực, xu hướng làm việc này là cách để người trẻ từ chối văn hóa làm việc kiệt sức và yêu cầu môi trường công bằng hơn. Tuy nhiên, ở mặt khác, xu hướng này cũng có thể khiến người trẻ mất đi động lực phát triển bản thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm