Những nữ tiểu thương thành Vinh mưu sinh không có giấc ngủ đêm

22/12/2018 - 08:07
Ngày nào cũng vậy, hàng trăm con người ở chợ đầu mối thành phố Vinh, Nghệ An không có giấc ngủ đêm. Họ cần mẫn, lặng lẽ với cuộc sống mưu sinh... Hiếm khi nào họ có được một giấc ngủ dài trọn vẹn, một đêm thảnh thơi không phải trăn trở với bộn bề lo lắng.

Nhọc nhằn mưu sinh

23 giờ khuya, Vinh vắng lặng và tê tái trong giá lạnh. Khu chợ đầu mối đêm hun hút gió, ánh đèn len lỏi sáng và huyên náo tiếng người, tiếng còi xe, tiếng thùng xốp, thùng các tông rơi lịch bịch trên xe kéo sắt. Đó là lúc bắt đầu ngày làm việc của người lao động tại chợ đầu mối rau củ quả Vinh.

Ngồi bó gối trong lớp áo mưa giữa sương đêm, chị Phùng Thị Vân, 45 tuổi, quê ở huyện Quỳnh Lưu thi thoảng lại dụi dụi đôi chân không tất, chỉ đôi dép lê đã cũ xoa nhẹ dưới nền bê tông. Trong cái lạnh thấu da thấu thịt của trời đất xứ Nghệ, 10 đầu ngón chân chằng chịt những vết cứa nứt nẻ.

48389020_1524872534283126_3538469434567950336_n.jpg
Người phụ nữ này đã 17 năm tròn thức đêm mưu sinh
ở chợ đầu mối Vinh

Chị Vân đã gắn bó với việc buôn bán 17 năm tròn. Đồ nghề là chiếc xe máy xếp vào hạng “đồ cổ” và những bì tải trên đó mờ nhòe vết sơn ghi tên và số điện thoại. Nhà có 4 đứa con, 2 đứa đầu đã lập gia đình, còn 2 đứa sau đang học đại học. Vợ chồng chị Vân vừa buôn bán chợ đêm, vừa chăn nuôi, làm ruộng, trồng hoa màu, rau củ ở quê. Thế nhưng, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Có lúc các con thúc tiền học gần chục triệu, lại phải chạy vạy đi vay”, chị Vân bộc bạch.

Đứng bên xe kéo chở đầy rau, chị Nga (phường Đông Vĩnh, Tp Vinh) cho biết: “Nhà chị trồng gần 2 sào rau củ. Đến vụ thu hoạch, từ chiều hôm trước, 2 vợ chồng ra ruộng chuẩn bị hàng rồi xếp sẵn lên xe. 1h sáng, vợ chồng chị thức dậy chở lên chợ đêm bán. Một vụ rau trừ đầu tư, gia đình chị cũng chẳng thu lại được là bao, cho nên dù dậy sớm, vất vả, đi lại đường xa trong đêm tối, rất nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên cũng phải cố”.

Nếu như người nông dân có rau quả mang bán phải vất vả, mệt nhọc thì với những tư thương buôn bán nhỏ, lẻ cũng phải mưu sinh từ lúc nửa đêm. Bà Phan Thị Minh Nguyệt (53 tuổi, trú tại phường Vinh Tân) đã có 25 năm bám nghề tâm sự: “Nghề buôn bán chỉ lấy công làm lãi. Mùa nào thứ ấy, chị đều buôn bán hết. Như mùa này là vụ rau, muốn bán được hàng phải dậy từ sớm đến chợ để chọn rau tươi ngon. Mỗi loại rau, củ, quả, tôi mua một ít, bán hết trong ngày, nếu bán không hết để sang ngày hôm sau là mất khách. Tuy vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm được vài ba trăm ngàn”.

48319993_1978068902286467_3161524318484037632_n.jpg
Gần 25 năm gắn bó với chợ, cứ “tranh thủ” chợp mắt được lúc nào thì hay lúc ấy”, bà Phan Thị Minh Nguyệt (53 tuổi, trú tại phường Vinh Tân) cho biết

“Đêm nào cũng vậy, 11h tối hôm nay đến rạng sáng ngày hôm sau đều có mặt ở chợ. Dẫu thường xuyên mất ngủ, song lâu dần cũng quen” - bà Nguyệt cho biết.

Đã từ nhiều năm nay, chợ rau quả đêm ở chợ đầu mối Vinh là nơi mưu sinh của bao con người, bao gia đình. Cứ bắt đầu từ 10h đêm, những chiếc ô tô, xe máy, xe kéo chở đầy rau, hoa quả từ các nơi đổ về. 2-3h sáng, không khí chợ rau quả đêm nhộn nhịp, đông đúc với sự tham gia của rất nhiều người.

Dưới ánh đèn đường loang lổ, ẩn hiện những khuôn mặt người bán, người mua xám xịt, hốc mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Đa phần những người bán hàng tại chợ rau đều là những nông dân nghèo ở các xã lân cận và thành phố.

Có mặt ở chợ đêm, chúng tôi cảm nhận cuộc sống rất đỗi bình dị mà đáng trân trọng của những người nông dân, tiểu thương đêm đêm không ngủ, vất vả kiếm sống và cung cấp những nhu cầu đời sống thiết yếu cho người dân khắp các làng quê, ngõ phố trong và ngoài địa phương.

Những giấc ngủ chập chờn

Chợ họp “tranh thủ” về đêm và sống nhờ vào những ánh đèn thắp sáng hàng của mình bằng ánh đèn compact được cắm từ chiếc ác quy nhỏ, chuyên dụng nên những người lam lũ lúc nửa đêm ở đây cũng “hiền từ” như những ánh đèn sáng hiu hắt.

nhng-gic-ng-vi-gia-sng-m-lnh-but.jpg
Những giấc ngủ vội giữa sương đêm lạnh buốt

Không giường chiếu, không gối kê đầu, giữa tiếng ing ỏi quát tháo, gọi nhau, mặc cả, chuyện trò... nhiều người vẫn điềm nhiên “gật gù”, mơ ngủ dưới tiết trời đông buốt giá đến thấu da. Họ đang tìm cho mình những phút nghỉ ngơi, dù vội vã nhưng hết sức quý giá để tái tạo sức cho những cuộc mưu sinh.

Chính vì thời gian làm việc chủ yếu là vào ban đêm, vì vậy nhiều tiểu thương phải nằm chợp mắt để có sức tiếp tục hoạt động buôn bán vào hôm sau. Hầu hết đều tự sắm cho mình chiếc ghế ngả, tuy nhiên cũng có những người trải chiếu nằm ngay cạnh quầy hàng của mình.

 “Ngày nào cũng đi chợ đêm thành ra thiếu ngủ trầm trọng. Cả chợ đều thế, nhìn quen rồi chả ai thắc mắc làm gì. Cứ “tranh thủ” chợp mắt được lúc nào thì hay lúc ấy”, bà Phan Thị Minh Nguyệt cho biết.

47386278_765709313782572_8123778512642375680_n.jpg
Vì mưu sinh, có những tiểu thương phải đưa con ra chợ

Trời đêm lạnh, nhưng những lao động ở chợ chỉ mặc phong phanh tấm áo mỏng,… Tranh thủ khi giãn khách, họ thường ngả lưng ngay trên thùng xe tải, dựa vào tường hoặc chiếc ghế xếp để chợp mắt. Giữa khu chợ đông đúc, ồn ào, họ vẫn ngủ ngon lành và bật dậy thật nhanh khi có ai đó gọi tên mua hàng. 

“Những người như chúng tôi đều có điểm chung là ngủ rất ít, tranh thủ ngủ lúc nào hay lúc đó. Như gia đình tôi, kết thúc công việc ở chợ lúc 6 giờ sáng lại về tiếp tục bán lẻ tại nhà đến trưa mới ăn cơm rồi tranh thủ chợp mắt”, chị Trịnh Thị Vân, một tiểu thương trú tại phường Vinh Tân nói.

Trong cái biển người và biển hàng mênh mông ấy, là những phận người lay lắt mưu sinh. Họ là những nữ lao động nghèo đêm đêm về đây đem sức lực của mình kiếm miếng cơm manh áo. Trên những chiếc xe tải sắp hàng dày đặc, những thùng nặng vài chục ký đến vài tạ từ trên xe ầm ầm chuyển xuống. Xen trong những đôi vai trần lực lưỡng của cánh đàn ông, nam thanh niên đang ghé vào, là đôi vai gầy guộc nhỏ bé của các bà, các chị.

Dạo qua chợ đầu mối Vinh và thức cùng thành phố được biết, cuộc sống về đêm của các tiểu thương nơi đây không bao giờ là yên ả. Chị Vân cho biết, một số người dân ở quê các huyện như Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu… cũng đổ về chợ để mưu sinh mong rằng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn. Ngoài việc bán nông sản, rau, củ, quả ở chợ đầu mối Vinh để mang về bán ở những chợ cóc dân sinh, thì họ còn tranh thủ bốc vác những chuyến hàng cho khách để kiếm thêm đồng ra, đồng vào gửi về cho gia đình ở quê.

nng-nh-hi-m-ca-bp-la-bm-tr-mu-sinh.jpg
Nương nhờ hơi ấm của bếp lửa để bám trụ mưu sinh

Những người làm nghề bốc vác thường bị các bệnh về xương khớp, đau lưng và đầu gối. Nam giới còn đỡ, chứ phụ nữ thì rất vật vả, nhiều  trường hợp phải bỏ nghề giữa chừng vì gặp tai nạn trong quá trình gánh hàng thuê ở chợ.

Trên đường về, cơn mưa phùn bắt đầu nặng hạt, nhưng trong đầu tôi cứ miên man hình ảnh bếp lửa nhóm vội của những người tiểu thương nơi chợ đầu mối Vinh. Trong tiết trời rét thấu da của đêm đông, họ đang nương nhờ hơi ấm của bếp lửa để bám trụ mưu sinh.

5 giờ 30, chợ đêm Vinh dần giải tán. Các công nhân Công ty Môi trường đô thị Nghệ An nhanh chóng quét dọn, thu gom rác thải, trả lại vẻ sạch sẽ tinh tươm cho khu chợ và trên những tuyến đường. 

Một ngày mới lại bắt đầu với nhịp sống sôi động. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm