Những phụ nữ dân tộc thiểu số "cõng" hàng đi tìm thị trường tiêu thụ

Hoàng Sa
02/11/2023 - 13:26
Những phụ nữ dân tộc thiểu số "cõng" hàng đi tìm thị trường tiêu thụ

Nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đã chủ động đi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm

Ngày nay, nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở vùng cao đầu tư sản xuất hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhưng cái khó với họ vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Nhiều chị em đã mạnh dạn "cõng" hàng đi tìm thị trường một cách năng động.

Trong khu hội chợ dịp cuối năm về các mặt hàng tiêu dùng được tổ chức ở ở khu vực Công viên Hòa Bình (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp nhiều gian hàng của chị em người dân tộc thiểu số ở vùng cao, với nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm phong phú và đa dạng.

Trước kia, có một tình trạng chung đối với các cơ sở sản xuất hàng hóa như tiểu thủ công, thực phẩm và các loại mặt hàng nhu yếu phẩm của chị em người dân tộc thiểu số ở miền núi là thiếu đầu ra dẫn đến việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Do đó khó có thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của chị em. 

Những phụ nữ dân tộc thiểu số "cõng" hàng đi tìm thị trường tiêu thụ  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bình cùng các chị em Hợp tác xã nông nghiệp bản Dao bên gian hàng

Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp bản Dao của bà Nguyễn Thị Bình ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đây là cơ sở chuyên sản xuất tinh dầu sả chanh và một số mặt hàng khác với hơn 10 chị em là người dân tộc thiểu số đang làm việc tại đây. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là nỗi trăn trở của bà Bình. Bà đến đây với mong muốn sản phẩm của mình có được những khách hàng mới vừa mang lại nguồn thu cho HTX vừa đảm bảo việc làm bền vững cho thành viên của HTX.

Những phụ nữ dân tộc thiểu số "cõng" hàng đi tìm thị trường tiêu thụ  - Ảnh 2.

Gian hàng của chị Nguyễn Thị Thu Hường, đến từ huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Chị Nguyễn Thị Thu Hường, người dân tộc Tày, đến từ huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, chia sẻ: "Tôi mở xưởng sản xuất thạch đen là chính. Tôi tham dự hội chợ với mục đích là quảng bá sản phẩm, tìm đối tác để hợp tác tiêu thụ sản phẩm ở những thị trường lớn nhằm mở rộng sản xuất, tăng sản lượng hàng hóa".

Chị Nông Thị Lan, đến từ tỉnh Bắc Kạn, với các loại mặt hàng như miến, chuối khô, thảo dược là các sản phẩm mang đặc trưng của vùng miền địa phương chị. 

Chia sẻ với Báo PNVN, chị cho hay: "Đây không phải lần đầu tôi mang hàng đi dự hội chợ, mà tôi đã đi nhiều nơi rồi, tính ra tiền thuê gian hàng và các chi phí khác, thì việc bán hàng ở hội chợ thường bị lỗ. Nhưng vì mình đi tìm thị trường, tìm người mua sỉ sản phẩm của mình thì bắt buộc mình phải đi, để mở rộng tiêu thụ sản phẩm".

Một số sản phẩm đặc trưng của vùng cao tại hội chợ

Chị Lý Mẩy Pham đến từ Sa Pa, Lào Cai cho biết: "Bây giờ hàng hóa cạnh tranh nhiều, khách hàng có nhiều lựa chọn và họ cũng có nhiều kênh thông tin. Chúng tôi muốn bán được hàng hóa thì bắt buộc phải đi tìm thị trường. Một trong những cách đó là tham gia hội chợ để tiếp cận trực tiếp với khách hàng và nhà phân phối".

Ngày nay, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số khá năng động và có kiến thức, kỹ năng tốt hơn trước rất nhiều. Câu chuyện đi tìm thị trường luôn được chị em chủ động và khá thành thạo. Tuy phải nhọc nhằn "cõng" hàng đi muôn nơi, nhưng những thành quả đem lại là sự minh chứng cho những nỗ lực của mình nên chị em đều khá hài lòng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm