pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những phụ nữ Mường "thắp sáng" núi rừng xứ Thanh

Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế
Trên những triền đồi xanh ngút ngàn của vùng núi Thanh Hóa, những người phụ nữ dân tộc thiểu số đang ngày ngày âm thầm lao động, gìn giữ những giá trị truyền thống và nuôi dưỡng khát vọng đổi thay. Trong những gian khó chất chồng của cuộc sống miền núi, họ đã không ngừng vươn lên, mạnh mẽ làm chủ cuộc đời, làm chủ kinh tế, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Họ không chỉ thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình mà còn thắp lên niềm tin và hy vọng cho cả bản làng.
Câu chuyện của chị Phạm Thị Thu (huyện Như Xuân) và chị Trương Thị Sơn (huyện Lang Chánh) - hai phụ nữ dân tộc Mường là minh chứng sống động cho sự bền bỉ, đổi mới và tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người phụ nữ giữa núi rừng xứ Thanh.
Cất bằng đại học để làm nông dân
Dù sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa, song chị Phạm Thị Thu được bố mẹ nuôi ăn học đến nơi đến chốn.
"Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán, tôi làm công nhân may 3 năm, ngày chạy sản lượng đến bở hơi tai, tối vẫn đạp xe đi dạy gia sư thêm. Có những hôm trời mưa rào đạp xe trên đường về, vừa lạnh vừa đói. Những chiếc xe hơi vội vã lướt qua tôi, mà trên đường gặp vũng nước chưa kịp thoát hết nước mưa đọng lại bắn tung tóe từ đầu tới chân tôi ướt nhẹp. Tôi đã khóc, khóc hết quãng đường trên đường đạp xe về phòng trọ, nhưng rồi lại tự an ủi bản thân mình rồi mai trời nắng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn sẽ đến với mình. Sau nhiều năm bôn ba chốn phố thị tích cóp được chút vốn mình về phụ chồng chăm sóc vườn mắc ca, kể từ đó tôi chính thức là cô nông dân chính hiệu", chị Phạm Thị Thu tâm sự.
Chị Phạm Thị Thu nhớ lại: Tháng 2/2014, được sự vận động của chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Vân Hòa (xã Cát Vân, huyện Như Xuân), chị chính thức được kết nạp làm hội viên phụ nữ. Chị được Hội phụ nữ quan tâm giúp đỡ về mọi mặt về tinh thần, chăm sóc sức khỏe giới tính, góp ý các mô hình hay để cùng nhau phát triển kinh tế.
Đây cũng là thời điểm vợ chồng chị bắt đầu đưa cây mắc ca về trồng trên đất của gia đình. Chị Thu cho biết: Từ lúc trồng cây mắc ca, trải qua hơn chục năm với bao thăng trầm, hai vợ chồng đã chăm sóc khu vườn của mình bằng cả sự tận tâm. Họ tự tay làm từng công việc, từ phát cỏ, cuốc đất sáo xới, tưới nước bón phân… để mong chờ những chùm hoa, quả mắc ca đầu tiên. Rất nhiều kiến thức kinh nghiệm đã được rút ra để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng hạt ngày càng thơm ngon giòn đậm vị.
Để sản phẩm được đảm bảo về mặt pháp lý và đảm bảo về chất lượng tháng 6/2023 sản phẩm hạt macca đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Đưa hạt mắc ca từ vùng cao xuống phố, chị Thu đã tạo cảm hứng cho nhiều phụ nữ dân tộc mạnh dạn tham gia sản xuất, làm kinh tế
Hiện, HTX của chị Thu đã mở rộng diện tích trồng mắc ca lên hàng chục ha, liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Các sản phẩm từ mắc ca như hạt sấy, dầu mắc ca, bột dinh dưỡng… được người tiêu dùng ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hợp tác xã Nông lâm sản Mắc ca Thành Phát cũng đã tạo được công ăn việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương, với mức lương từ 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là giám đốc HTX, chị Thu còn là người "gieo niềm tin" để nhiều phụ nữ dân tộc mạnh dạn tham gia sản xuất, làm kinh tế. Chị Phạm Thi Thu chia sẻ, chị mong muốn mô hình của mình sẽ được nhân rộng để tạo công ăn việc làm cho các bà các mẹ cao tuổi, và đặc biệt là các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trẻ tại địa phương không phải đi làm ăn xa, có điều kiện ở nhà xây dựng kinh tế, chăm sóc con cái, gia đình tốt hơn.
Biến thảo dược thành sản phẩm thế mạnh của địa phương
Lang Chánh là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với nhiều loại cây dược liệu cho năng suất và hoạt chất quý. Từ những thảo dược quen thuộc từ vườn nhà ấy, chị Trương Thị Sơn (dân tộc Mường, Giám đốc Công ty CP Đông Nam Dược miền Trung, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh) sản xuất ra nhiều sản phẩm dược liệu xanh, nâng tầm giá trị của dược liệu Việt, hướng tới các sản phẩm an toàn, thân thiện, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Đi dọc theo con đường đất quanh co, lội qua một con suối nhỏ, khu vườn nguyên liệu của chị Trương Thị Sơn chào đón những người khách phương xa bằng màu xanh mát mắt và hương thơm thoang thoảng của sả, tía tô…

Đường vào vùng trồng nguyên liệu của chị Trương Thị Sơn
Chị Sơn giới thiệu: Cây ngải cứu là cây dược liệu quen thuộc của người dân bản địa nơi đây, song loại cây này chỉ được phát triển và duy trì trong đời sống như một món ăn, bài thuốc dân gian và không được trồng theo một quy chuẩn nào để phát triển thành quy mô hàng hóa. Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhu cầu lá xông, lá tắm thảo dược không đáp ứng đủ cho người sử dụng, do đó chị đã quyết tâm đưa cây ngải cứu vào danh mục cây dược liệu chủ đạo nằm trong quy hoạch vùng trồng dược liệu chuyên canh của công ty, hướng tới mục tiêu phát triển chiến lược các sản phẩm chủ lực như: nhang ngải cứu, tinh dầu ngải cứu, gối ngủ thảo dược...
Hiện, các sản phẩm đã đưa ra thị trường và được khách hàng đánh giá cao. Chị Sơn cũng xây dựng được cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015, kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến quá trình sơ chế, chế biến, đóng chai, bảo quản vận chuyển an toàn chất lượng.

Sản phẩm từ thảo dược của chị Sơn được phân phối rộng rãi trên cả nước
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, công ty Công ty CP Đông Nam Dược miền Trung đã phát triển quy mô lớn, với hàng chục sản phẩm được bán sỉ, có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng và trên sàn thương mại điện tử. Quan trọng hơn, công ty tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động là người địa phương, trong đó phần lớn là phụ nữ dân tộc.
Cầu nối nâng bước phụ nữ dân tộc thiểu số
Chị Lê Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Vân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, Hội LHPN xã đã tích cực đổi mới về nội dung cũng như phương pháp trong việc tổ chức thực hiện phong trào như: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ" … đồng thời tích cực hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… qua đó giúp hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế.

Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế
Đồng hành cùng hội viên phụ nữ từ bước nhỏ nhất, theo chia sẻ từ đại diện Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, nhận thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số thường có tâm lý e dè, sợ thất bại, Hội LPHN các cấp trong tỉnh không chỉ hỗ trợ họ bằng tài chính hay kiến thức, mà quan trọng là thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp họ vượt qua rào cản tâm lý, tin vào chính mình.
Thông qua việc triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù vùng miền. Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Bùi Thị Mai Hoan khẳng định, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, hoạt động của Dự án 8 đã và đang đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ những ước mơ và niềm tin, những mô hình kinh tế do phụ nữ dân tộc làm chủ, là những bản làng tại Thanh Hóa đang dần đổi mới cùng khát vọng vươn lên của chị em. Trên hành trình đó, những người phụ nữ dân tộc thiểu số không còn là những người "đứng ngoài cuộc" mà đang trở thành trung tâm của sự đổi thay và phát triển kinh tế trong mỗi ngôi nhà, trong từng thôn bản.