Những phụ nữ uy tín của buôn làng

Mộc Trà- Phạm Hoài
18/12/2022 - 22:55
Những phụ nữ uy tín của buôn làng

Dù tuổi đã cao nhưng bà H’Yơm (thứ 2, bên trái sang) vẫn thường xuyên tuyên truyền dân làng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Những nữ già làng, trưởng thôn, người uy tín… ở Gia Lai đã và đang góp nhiều công sức trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, được bà con tôn kính, tín nhiệm.

Theo quan niệm thông thường của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai nói chung và Tây Nguyên nói riêng, già làng, trưởng thôn, người uy tín… phải là người đàn ông có sức mạnh, minh mẫn, uy tín, kiến thức uyên thâm để điều hành việc làng theo luật tục và bảo vệ được buôn làng. Nhưng hiện nay, các vị trí này được nhiều phụ nữ đảm nhận và góp phần đưa cuộc sống người dân ở các buôn làng ngày một khởi sắc.

Tại làng King Pênh (xã Chư A Thai, Phú Thiện, Gia Lai), đây là một trong 4 làng căn cứ cách mạng của xã Chư A Thai. Theo sự giới thiệu người dân nơi đây, già Rmah H'Yơm (dân tộc Jrai) là người được dân làng King Pênh tín nhiệm, bầu làm Người có uy tín của làng nhiều năm.

Già Rmah H'Yơm nói: Được người dân tín nhiệm, bầu làm người uy tín của làng nhiều năm nên già luôn tiên phong đi đầu trong mọi công việc, từ góp đất, làm kinh tế đến các công việc của làng. Khi chính quyền triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn, già Rmah H'Yơm đã tiên phong góp 2,1 ha đất để hợp thửa, vận động bà con làm theo để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Già Rmanh H'Yơm không chỉ vận động người dân làm ăn, phát triển kinh tế, mà bà còn phối hợp với hệ thống chính trị của làng để hòa giải cho dân làng, tuyên truyền pháp luật, vận động người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Già H'Yơm luôn quan tâm giúp đỡ người dân, vì vậy uy tín của già với người làng rất lớn. Điều ngạc nhiên hơn nữa là già Rmanh H'Yơm lý giải những việc khó, những khúc mắc một cách tự nhiên, giản đơn khiến cho ai nghe cũng hiểu.

Những phụ nữ uy tín của buôn làng - Ảnh 1.

Chị A Hà (giữa) lúc tuyên truyền người dân phòng, chống Covid-19.

Tương tự, chị A Hà (người dân tộc Ba Na, thôn Ama Hlil 2, Ia Mrơn, Ia Pa, Gia Lai) là người được cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con dân tộc Jrai tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng làng. Chị là người Ba Na nên khi sinh sống ở thôn chị phải học tiếng Jrai để giao tiếp với mọi người. Năm 2016 được sự tín nhiệm của chính quyền và dân làng, chị A Hà được bầu làm trưởng thôn.

Tuy nhiên, thời điểm chị A Hà mới được tín nhiệm giữ chức trưởng thôn vẫn có một vài người không tin chị có thể làm tốt nhiệm vụ này so với đàn ông. Vậy nên, để tạo được sự đồng thuận 100% từ phía dân làng chị đã không ngừng cố gắng trau dồi kiến thức, gương mẫu và dạy các con chăm chỉ học tập, làm ăn để dân làng noi theo. Chị còn  cố gắng để giúp người dân vươn lên làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo đồng thời chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chị A Hà chia sẻ: "Để được người dân tín nhiệm giao cho trọng trách trưởng thôn nghĩa là họ rất đề cao và tin mình. Khi đảm nhận vai trò này, mình phải dốc sức để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời mình phải chủ động tiếp cận pháp luật, học thêm kiến thức để hỗ trợ người dân khi người dân cần".

Nữ trưởng thôn cho biết thêm: Người dân tộc Ba Na, Jrai theo chế độ mẫu hệ, nên mọi quyết định trong nhà phần lớn đều do người phụ nữ tự quyết. Vì vậy, khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động chị A Hà thường tiếp cận chị em để dễ dàng trao đổi, tâm sự và đây cũng là một lợi thế so với nam giới làm trưởng thôn. Ngoài ra, chị A Hà thường xuyên phối hợp với các chức sắc, chức việc để vận động, tuyên truyền các hộ theo đạo sống tốt đời, đẹp đạo.

Già Rmah H'Yơm và chị A Hà là 2 trong số những tấm gương già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng làng đã thực hiện rất tốt vai trò của mình để xây dựng thôn, làng ngày càng phát triển hơn. Với những cách làm, cách dân vận khác nhau nhưng mục đích của họ đều hướng đến lợi ích cho dân làng. Họ được ví như cây đại thụ của làng, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, từ bỏ những tập tục lạc hậu, để đưa thôn, làng phát triển, ấm no hơn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm