Lan tỏa vẻ đẹp trang phục dân tộc cho học sinh vùng dân tộc thiểu số
Thực tế cho thấy, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Trong nhà trường vùng dân tộc thiểu số, đa số học sinh mặc trang phục của người Kinh, trang phục hiện đại khi đến trường.
Nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trường THCS Tân Thượng (Tân Thượng, Di Linh, Lâm Đồng) đã đưa ra cách làm sáng tạo bằng cách cho học sinh dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 mỗi tuần và các dịp lễ, hội truyền thống do nhà trường tổ chức. Các ngày còn lại các em mặc đồng phục bình thường. Quy định về trang phục này được thực hiện từ năm học 2022-2023.
Chia sẻ về việc áp dụng quy định này, thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng THCS Tân Thượng (Di Linh, Lâm Đồng) cho biết: Nhà trường có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 386 em học sinh thuộc 12 lớp học của các khối. Trong đó, số lượng học sinh người đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm đến 89,6%, đa số là các dân tộc K'Ho, Sán Dìu, Nùng, Tày… Xuất phát từ thực tế đó, nhà trường đã đặc biệt quan tâm hơn đến việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho các em học sinh. Trước tiên là tạo cơ hội cho các em được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nhiều hơn. Từ đó, các em sẽ tự hào hơn về trang phục của mình, tự hào về dân tộc mình. Bởi lẽ, trải qua quá trình phát triển của lịch sử, mỗi dân tộc đã tạo cho mình một bản sắc riêng, góp phần tạo nên nền văn hóa đa sắc của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà trường còn quan tâm tới việc trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương thông qua hình thức như: Tích hợp lồng ghép với các môn học, chương trình giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tổ chức hội thi trang phục truyền thống và thuyết minh về trang phục truyền thống nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày thành lập Đoàn 26/3…
Qua hoạt động này, các em có thêm sự tự hào, tự tin khi khoác lên mình trang phục truyền thống. Tạo nên một không gian văn hoá dân tộc thiểu số đa màu sắc trong môi trường học đường. Các em sẽ cùng vận động nhau giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình, tạo nên sự gắn kết giữa nhà trường. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức và tư duy.
Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích các thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số cũng mặc trang phục truyền thống mỗi khi lên bục giảng. Điều này sẽ góp phần lan tỏa niềm tự hào về nét đẹp riêng của mỗi dân tộc đến với các em học sinh nhiều hơn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Cô giáo Ka Duýs, giáo viên dạy văn, Trường THCS Tân Thượng cho biết: Ngày thứ Ha mỗi tuần là ngày cả giáo viên lẫn học sinh trong trường mong chờ nhất, bởi ai cũng đẹp hơn trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhờ trang phục của dân tộc, cô cảm thấy mình duyên dáng hơn, gần gũi hơn với các em. Mỗi khi đến trường với trang phục truyền thống, tôi còn cảm thấy tự hào khi đang góp phần giữ gìn truyền thống quý giá của dân tộc, khi mà xã hội hiện đại khiến các trang phục dần bị mai một. Tôi cũng cảm nhận được niềm vui trong đôi mắt của các em học sinh. Các em cũng háo hức tìm hiểu về dân tộc của các bạn xung quanh thông qua bộ trang phục mà các bạn mặc đến lớp.
Nhờ có quy định về mặc trang phục truyền thống mà cứ đến tiết sinh hoạt thứ Hai đầu tuần, ngôi trường THCS Tân Thượng lại trở nên rực rỡ sắc màu, không khí cũng rộn ràng hơn hẳn. Các em người dân tộc K'Ho, Mường, Nùng, Khơ me, Sán Dìu,… tung tăng khoe với nhau về nét đặc sắc của trang phục mình đang mặc.
Thầy cô và học sinh đều phấn khởi trong ngày đầu tuần.
Nếu như các em nữ người K'Ho nổi bật với trang phục nhiều sắc màu thì các em nữ sinh dân tộc Tày thì duyên dáng trong trang phục đằm thắm sắc chàm, còn các nam sinh K'Ho thì khỏe khoắn trong bộ quần tây áo trắng phối thêm chiếc áo khoác truyền thống có cổ áo tròn, không có tay áo… Đây đều là những bộ đồ được khéo léo cắt may, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ. Các họa tiết mộc mạc, nhiều màu sắc và chứa đựng cả niềm tự hào to lớn.
Em Tạ Tấn Tài (dân tộc Nùng, trường THCS Tân Thượng) phấn khởi chia sẻ: "Lúc trước, con thường nhìn thấy trang phục dân tộc người Nùng trên tivi. Năm nay, con đã được gia đình sắm cho một bộ trang phục truyền thống như vậy để đi học. Con cảm thấy rất tự hào mỗi khi đến trường. Con không chỉ vui vì mình và các bạn đều được mặc trang phục riêng mà còn vui khi kể cho nhau nghe ý nghĩa trang phục của dân tộc mình. Các bạn mặc trang phục dân tộc đến trường trông bạn nào cũng lạ lắm, oai lắm".
Nhà trường giúp học sinh trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động ngoại khóa
Em Ka Thiên Hy (học sinh lớp 7, THCS Tân Thượng) giờ đây không còn ngập ngừng, e ấp trong những lần đầu mặc trang phục truyền thống đến trường. Em đã bắt đầu cảm nhận được sự tự hào và cảm thấy tự tin khi mặc trang phục truyền thống. "Con cảm thấy rất tự hào khi mặc trang phục của dân tộc mình đến trường và con rất vui khi được chia sẻ nét văn hóa của dân tộc mình với các bạn trong lớp. Lúc đầu con cũng hơi ngại, vì con mặc đồng phục quần tây áo trắng quen rồi. Giờ đây, lớp con, bạn nào cũng mặc nên con không ngại nữa".
Em Từ Thị Ngọc Hiền (học sinh lớp 7A3, trường THCS Tân Thượng) thêm phần rạng rỡ hơn trong trang phục truyền thống của người Sán Dìu với bộ váy áo màu chàm và thắt lưng bằng dải lụa màu xanh nổi bật. Hiền có mẹ là người Sán Dìu, bố là người Nùng nên mỗi dịp Tết đến xuân về, hay có lễ hội, thì văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống của hai dân tộc luôn hiện hữu trong căn nhà nhỏ của em. Giờ đây, được mẹ may cho một bộ trang phục riêng để đi học, Hiền cảm thấy tự hào và phấn khởi.
Hay cô học trò nhỏ Ka Phương Trinh (học sinh lớp 6A2, trường THCS Tân Thượng) cũng xinh xắn trong bộ váy áo thổ cẩm của người K'Ho. Khi được nhà trường thông báo về mặc trang phục truyền thống vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, Ka Phương Trinh đã được mẹ dắt đi may ngay một bộ.
Nhờ đó, Ka Phương Trinh đã hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc mình. Khi khoe sắc cùng bạn bè, em càng thấy tự hào, đó là một bộ trang phục giản dị, nhưng vẫn độc đáo. Những cô gái có bộ váy đẹp cũng chính là người chăm chỉ giỏi giang. "Em vui lắm, bởi ở nhà, mỗi lần nhìn mẹ mặc váy thổ cẩm là em lại thấy mẹ đẹp hơn, và ước ao được mặc đồ giống mẹ", Trinh cho hay.
Thực tế cho thấy, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một và việc góp phần giáo dục ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống cho học sinh trong các trường học vùng dân tộc thiểu số hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số thường chỉ mặc vào các dịp trọng đại như ngày tết, lễ hội.
Cơ hội để người dân tộc thiểu số sử dụng bộ trang phục truyền thống ngày một thu hẹp. Nhất là với các bạn trẻ, các em bị ảnh hưởng bởi sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ. Nhiều em học sinh đã quen mặc đồng phục của người Kinh nên còn ngại ngần khi mặc trang phục truyền thống trước đám đông. Đáng nói hơn, những làng nghề dệt thổ cẩm còn rất ít, khó cạnh tranh với các loại vải công nghiệp ngày càng trở nên tiện dụng và giá thành rẻ.
Vậy nên, hoạt động góp phần giáo dục ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống cho học sinh trong các trường học vùng dân tộc thiểu số như tại trường THCS Tân Thượng là một việc làm có ý nghĩa và cần được nhân rộng.
Biết rằng, mỗi nhà trường, mỗi địa phương sẽ có thuận lợi và khó khăn riêng trong quá trình thực hiện. Nhưng tin rằng, nếu các nhà trường tổ chức tốt các hoạt động bảo tồn, linh hoạt với thực tiễn thì việc giáo dục ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Từ đây, góp phần rất lớn trong bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Ảnh: Quỳnh Thương