pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những trăn trở sau sáp nhập địa giới hành chính ở Thanh Hóa
Công sở xã Hà Toại với 25 phòng làm việc vừa được xây dựng nhưng đã bị bỏ hoang sau khi xã này sáp nhập với xã Hà Phú thành xã Lĩnh Toại
Bài 1: Xót xa những công sở tiền tỉ bị bỏ hoang
Giai đoạn 2019 - 2021, sau khi tiến hành sáp nhập địa giới hành chính, tỉnh Thanh Hóa đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố của 27 huyện, thị xã và thành phố. Thế nhưng, tổng số công sở, nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở. Việc xử lý số công sở, nhà đất dôi dư này được xem là "bài toán" khó và hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Chọn cũ, bỏ mới
Năm 2019, xã Thuần Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) được sáp nhập với xã Văn Lộc và lấy tên mới là xã Thuần Lộc. Sau khi sáp nhập 2 xã, công sở của xã Văn Lộc được chọn làm nơi làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã Thuần Lộc mới. Ngoài nằm ở vị trí trung tâm và mang yếu tố lịch sử thì điều kiện cơ sở vật chất của trụ sở xã Văn Lộc kém trụ sở xã Thuần Lộc.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Đỗ Thanh Yên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuần Lộc, thẳng thắn nhìn nhận sự bất hợp lý khi một công sở chật chội, cũ kỹ, phòng ốc không đủ cho cán bộ làm việc lại được chọn làm trụ sở. Trong khi, cách đó chừng 2km, một công sở mới được xây dựng thì lại đang bị bỏ hoang.
Theo vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuần Lộc, năm 2018, thời điểm chưa sáp nhập, công sở xã Thuần Lộc được đầu tư xây dựng với kinh phí nhiều tỷ đồng. Công sở gồm toà nhà 2 tầng, với 24 phòng làm việc. Chứng kiến diện mạo khang trang của nơi làm việc mới, cán bộ, công chức xã Thuần Lộc ai nấy đều phấn khởi.
Tuy nhiên, vừa đưa vào sử dụng được vài tháng thì xã Thuần Lộc phải sáp nhập với xã Văn Lộc, bộ máy chính quyền chuyển về công sở của xã Văn Lộc (cũ) dẫn đến công sở xã Thuần Lộc bị bỏ hoang từ đó.
Sau 5 năm bị bỏ không, công sở xã Thuần Lộc (cũ) vẫn gần như mới nguyên. Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, công sở này được trưng dụng làm nơi cách ly y tế. Sau khi hết dịch, do hết công năng sử dụng nên công sở phải chịu cảnh "đắp chiếu".
Gần đây, do Trạm y tế xã Thuần Lộc (mới) đang xây dựng nên một số phòng của công sở tạm thời được các cán bộ y tế trưng dụng để làm việc. Trong khi đó, các phòng ở tầng 2 của công sở đều khóa cửa im lìm.
Nằm cạnh công sở xã Thuần Lộc (cũ), công trình nhà văn hóa với kinh phí đầu tư lên đến hơn 5 tỷ đồng cũng chịu chung số phận. Nhà văn hóa tiền tỉ này còn chưa được hoàn thiện các tiện ích đi kèm như điện, nước. Dù có chủ trương sáp nhập nhưng huyện Hậu Lộc vẫn chỉ đạo tiếp tục cho hoàn thiện nhà văn hóa. Nhà văn hóa xây xong, chưa kịp bàn giao, bị bỏ không từ đó đến nay.
Theo ông Đỗ Thanh Yên, thời điểm sáp nhập, nhà văn hóa đang xây dở, đáng ra không nên xây tiếp. "Số tiền còn lại có thể dùng để cho các thôn sửa sang, trùng tu lại nhà văn hóa thôn mình thì tốt biết mấy. Hơn 5 tỷ đồng là số tiền rất lớn, đặc biệt ở một xã còn khó khăn như Thuần Lộc - thời điểm năm 2019 vẫn chưa về đích nông thôn mới", ông Yên nói.
Trước hiện trạng trên, huyện Hậu Lộc đã có công văn tạm thời bàn giao nhà văn hóa cho thôn Lam Thôn sử dụng. Nguyên nhân được đưa ra là do thôn này có dân số đông, cần có hội trường lớn để hội họp. Hơn nữa, nhà văn hóa bị bỏ không cũng lãng phí.
Trong số những công trình bị bỏ hoang sau sáp nhập của xã Thuần Lộc còn có Trạm Y tế xã. Công trình với quy mô 2 tầng, 14 phòng, được xây dựng năm 2013, nằm ngay cạnh công sở cũ của xã. 5 năm sau khi sáp nhập, công trình Trạm y tế xã Thuần Lộc cũng bị bỏ hoang. Nơi làm việc của cán bộ, y bác sĩ xã Thuần Lộc trước đây giờ bị phủ đầy rêu và trở thành nơi đỗ xe, điểm tập kết vật liệu xây dựng.
Tại huyện Quảng Xương, theo thống kê, sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, toàn huyện có 18 cơ sở nhà đất dôi dư. Các công trình này giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và còn khả năng sửa chữa, cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương của huyện, các công trình còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.
Đơn cử, tại xã Quảng Phúc, năm 2018, đơn vị này được đầu tư công sở xã gồm nhà làm việc 2 tầng, diện tích sàn khoảng 585 m2 trên tổng diện tích đất hơn 3.000 m2 với số tiền đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi công trình chưa hoàn thiện thì UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng. Từ đó, công trình này bị bỏ không.
Một xã có 2 công sở bị bỏ hoang
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Quyết định số 1649/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, vào năm 2019, xã Hà Yên (huyện Hà Trung) được sáp nhập với xã Hà Dương, lấy tên mới là xã Yên Dương.
Thời điểm trước sáp nhập, công sở xã Hà Yên được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Tuy nhiên, sau sáp nhập, công sở này bị bỏ hoang từ đó.
Ông Trần Văn Sử, Bí thư Đảng ủy xã Yên Dương, cho biết, trước sáp nhập, xã Hà Yên và xã Hà Dương được ngăn cách bởi tuyến QL1A, dân số mỗi xã hơn 900 hộ. Sau khi sáp nhập 2 xã này, công sở xã Hà Dương được chọn làm công sở cho xã mới Yên Dương.
"Cả 2 công sở lúc đó đều mới được xây dựng, việc chọn công sở Hà Dương làm trụ sở mới cũng là hợp lý. Tuy nhiên, công sở của xã Hà Yên vừa mới xây xong và đưa vào sử dụng được một năm, thậm chí cổng chính chưa kịp hoàn thiện. Công trình đẹp như thế nhưng không sử dụng cũng rất tiếc", ông Sử chia sẻ.
Sau 5 năm không sử dụng, công sở xã Hà Yên đã bị xuống cấp. Một số phòng công sở không khóa cửa, bên trong đồ đạc ngổn ngang. Phía trước sân, cỏ dại mọc um tùm. Trước khu vực trụ sở này, người dân tập kết rác thải sinh hoạt gây mùi hôi thối nồng nặc. Khu vực nhà xe được trưng dựng làm nơi để… xe tang.
Theo ông Sử, ngoài công sở này, xã Yên Dương còn 1 công sở nữa, vốn là công sở cũ của xã Hà Dương, cũng đang bị bỏ không. Công sở này đã xuống cấp do được xây dựng đã lâu và hiện có kế hoạch để xử lý khi nằm trong hành lang thoát lũ.
Cũng tại huyện Hà Trung, năm 2019, xã Hà Toại sáp nhập với xã Hà Phú, lấy tên là xã Lĩnh Toại. Sau sáp nhập, huyện Hà Trung chọn trụ sở xã Hà Phú. Đáng nói, công sở xã Hà Toại là khu nhà 2 tầng khang trang, với 25 phòng làm việc, mới được đầu tư năm 2016.
Xung quanh công sở được quy hoạch bài bản, từ vườn cây, nhà để xe, sân thi đấu thể thao. Trong khi công sở của xã Hà Phú đã xây dựng từ năm 2009 trên diện tích nhỏ và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo xã Lĩnh Toại, 2 công sở này chỉ cách nhau khoảng 2 km, việc chọn công sở xã Hà Phú tuy cũ nhưng nằm ở vị trí trung tâm. Dù công sở xuống cấp nhưng trong thời gian tới, cán bộ xã này vẫn phải tiếp tục làm việc ở đây vì chưa thể xây công sở mới khi tỉnh Thanh Hóa đang có đề án tiếp tục nhập thêm 2 xã Hà Châu và Hà Hải về xã Lĩnh Toại vào giai đoạn 2025-2030.
Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 12/10/2023, trên địa bàn tỉnh này có tổng cộng 923 công sở bị bỏ hoang, nhà đất công dôi dư. Trong đó, có 47 trụ sở làm việc, 43 trạm y tế, 13 trường học (bao gồm 9 điểm lẻ), 820 nhà văn hóa dôi dư, chưa được bố trí, sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng. Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập 1 đơn vị cấp huyện và 147 đơn vị cấp xã. Nếu không sớm có phương án xử lý, con số công sở dôi dư giai đoạn tới còn nhiều hơn, gây lãng phí.
Bài sau: Chưa giải xong "bài toán" cán bộ dôi dư