Những vấn đề thuế với doanh nghiệp khởi nghiệp

Bài và ảnh: Linh An
21/10/2022 - 07:13
Những vấn đề thuế với doanh nghiệp khởi nghiệp

Luật sư Trần Thị Hà - Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn An Ninh

Khi khởi nghiệp, nhiều Start-up chỉ chú trọng về phần kinh doanh mà thiếu đi những định hướng về pháp luật thuế dẫn đến việc mất ưu đãi, hỗ trợ thuế và có nguy cơ bị xử phạt do các vi phạm về thuế.

Trong khi đó, thuế là vấn đề quan trọng đi cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động và phát triển. Việc hiểu biết và nắm rõ các quy định về thuế sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh hợp lý, tránh các rủi ro về tài chính và pháp lý.

Luật sư Trần Thị Hà - Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn An Ninh đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký kê khai những loại thuế gì?

Những vấn đề thuế với doanh nghiệp khởi nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đó là hóa đơn điện tử với cơ quan thuế, kê khai, nộp thuế và báo cáo thuế đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật dù không có doanh thu hoặc chưa chính thức triển khai hoạt động kinh doanh. Tại Việt Nam, một doanh nghiệp có thể phải chịu các loại thuế, phí như: lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất/nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên… 

Sau khi thành lập, doanh nghiệp cần phải xác định rõ các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp, các nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện để tránh trường hợp bị xử phạt. Trong đó, doanh nghiệp phải lưu tâm đến lệ phí môn bài và thuế giá trị gia tăng ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể là những yêu cầu gì đối với doanh nghiệp Việt Nam. Thưa Luật sư?

Sau khi doanh nghiệp đã chính thức triển khai các hoạt động kinh doanh thì cần có nhân viên kế toán để thực hiện các chế độ kế toán cho doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra chính người đại diện của doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến các nội dung về thuế như phạm vi áp dụng, đối tượng chịu thuế; thuế suất; cách tính thuế; ưu đãi thuế, miễn thuế, trường hợp không phải kê khai, không phải nộp thuế; hoàn thuế.

Cụ thể: Đối với doanh nghiệp Việt Nam: Trước hết Nhà nước ta đã phê duyệt nhiều Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như: Đề án 884 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"; Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"… Bên cạnh đó Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 tạo ra hành lang pháp lý toàn diện cho hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có những nội dung liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khẳng định bổ sung vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư đối với đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. 

Theo các quy định pháp luật về thuế, mức thuế suất ưu đãi là từ 10% đến 17% có thời hạn hoặc toàn bộ thời hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được miễn, giảm thuế theo các quy định pháp luật về thuế.

Đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì có gì cần lưu ý không?

Đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài: Luật đầu tư 2020 có một chương quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Theo đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam mà đáp ứng các điều kiện sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư (trong khoảng 10% đến 17%); miễn thuế, giảm thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế.

Cảm ơn Luật sư về cuộc trò chuyện này!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm