pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế
Hội LHPN huyện Văn Yên: Nỗ lực hỗ trợ chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế.
Bà Hà Minh Quế, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Yên đã có những chia sẻ cùng báo PNVN trong việc hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế.
Xin bà cho biết công tác phối hợp giải ngân nguồn vốn vay cho các hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện thời gian qua?
Thời gian qua, Hội LHPN huyện Văn Yên, cũng như 25/25 Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nỗ lực phối hợp, làm tốt vai trò ủy thác vốn Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), góp phần trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện nói chung và hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng.
Hội LHPN huyện đã ký văn bản phối hợp, đồng hành cùng Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện ngay từ những ngày đầu thành lập. Cho đến nay, đã có 25/25 Hội LHPN cấp xã trên địa bàn huyện ký Hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH. Hội phụ nữ quản lý 121 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ là 268,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,5% dư nợ ủy thác, với 4.487 hội viên đang vay vốn.
Ngoài việc phối hợp với Ngân hàng CSXH để giải ngân cho vay, Hội LHPN còn đóng vai trò hỗ trợ quản lý sử dụng nguồn vốn như thế nào, thưa bà?
Bên cạnh ủy thác cho vay tín dụng chính sách, các cấp Hội LHPN trong huyện đã tuyên truyền, vận động được 4.521 hội viên gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn hằng tháng với mức gửi tối thiểu 100.000 đồng. Đến nay số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN phụ trách là 11,2 tỷ đồng, vừa tạo nguồn vốn cho hộ nghèo, vừa giúp hội viên có tiền tiết kiệm tích lũy và nâng cao ý thức tiết kiệm.
Hơn nữa, nhằm hỗ trợ các hộ vay phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, các chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án, đề án. Điển hình là thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" để hỗ trợ hội viên, phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sản xuất, xây dựng năng lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Để nâng cao trình độ quản lý vốn vay của cán bộ Hội cấp cơ sở và Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn, hàng năm các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ Hội cơ sở, Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Hội LHPN đã phối hợp với khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn cho tổ viên vay vốn các kiến thức về kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm giúp các tổ viên sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích…
Với việc thực hiện công tác hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ người dân tộc thiểu số thì Hội LHPN huyện đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì?
Có thể nói, đối với Hội LHPN các cấp, tín dụng Ngân hàng CSXH là giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" và phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", góp phần giúp hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở từng địa bàn, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hội viên, phụ nữ từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định, trở thành điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa cho nhiều hộ nghèo khác học tập, đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để tiếp tục nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội đã có những kế hoạch trong thời gian tới như thế nào?
Thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của Phụ nữ và tổ chức Hội Phụ nữ trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội LHPN huyện sẽ chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đồng bộ thực hiện khâu đột phá "Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững".
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các cấp Hội LHPN với Ngân hàng CSXH, chính quyền và các ban ngành liên quan trong công tác quản lý vốn tín dụng chính sách, không chỉ trong công tác giải ngân, cho vay, thu nợ, thu lãi mà còn trong việc trợ giúp các đối tượng thụ hưởng sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, qua đó giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội thông qua việc thực hiện tốt công tác ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng, giáo dục và tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh công bằng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận công nghệ và tăng cường đầu tư hạ tầng.
Các giải pháp trên, cùng với việc hỗ trợ nguồn lực vốn vay kịp thời từ Ngân hàng CSXH sẽ giúp phụ nữ cải thiện tình hình kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Xin cảm ơn bà!
Minh Anh (thực hiện)