Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu

An Khê
03/10/2023 - 14:10
Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu

Chị Hoàng Thị Nguyên (bìa phải) - Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ (bên phải)

Những năm trước đây, có những chị em phụ nữ dân tộc Mường bị chồng say rượu đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, rồi có trường hợp ban ngày đi làm ruộng, nương, tối về các chị phải ngủ ngoài vườn hoặc chuồng trâu, chuồng bò,… đó là những hoàn cảnh khiến chị Hoàng Thị Nguyên trăn trở.

Chính vì vậy, khi được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, chị Nguyên đã quyết tâm cùng chị em tìm mọi cách giúp hội viên phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình.

Chị Nguyên chia sẻ, vào năm 2011, khi chị giữ vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thuận, lúc đó điều kiện kinh tế của bà con nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn. Nhất là bà con dân tộc Mường, những người quen làm kinh tế theo lối truyền thống, chưa va chạm xã hội, hiểu biết còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là chị em dân tộc thiểu số còn phải chịu nhiều hủ tục lạc hậu, không hiểu rõ quyền của phụ nữ nên còn bị đối xử thiếu cân bằng, bị bạo hành.

Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu - Ảnh 1.

Chị Nguyên (ở giữa) cùng chị em trong xã họp và có những hoạt động thiết thực giúp hội viên thoát nghèo, bảo vệ bản thân

Khi về cơ sở, chị Nguyên nhận ra vấn đề còn trầm trọng hơn khi nhiều chị em dân tộc Mường coi việc bị phân biệt đối xử là lẽ đương nhiên. Bởi vậy chị chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra. Nhưng muốn giải quyết triệt để vấn đề không chỉ là chuyện một sớm một chiều, bởi tư tưởng bất bình đẳng giới cùng các hủ tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống của chị em.

Không quản khó khăn, chị Nguyên bám sát cơ sở, gần gũi hội viên, nắm bắt được những hoàn cảnh của chị em dân tộc Mường bị bạo lực từ chồng và gia đình. Để từ đó chị tìm cách vận động, chia sẻ, tháo gỡ, giúp đỡ chị em yếu thế.

Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu - Ảnh 2.

Không quản khó khăn, chị Nguyên bám sát cơ sở, gần gũi hội viên

Có nhiều chị em bị chồng thường xuyên đánh đập, uống rượu say thì đuổi vợ ra khỏi nhà. Chị em phải làm lụng vất vả trên nương rẫy, nhưng tối về nhà lại bị chồng đánh mắng, đuổi đi. Có những chị cả đêm phải ngủ ngoài vườn hoặc chuồng gia súc. Những trường hợp này, sau khi nắm bắt thông tin, chị Nguyên chỉ đạo cơ sở họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hội, bàn bạc, phối hợp cùng các ngành, đoàn thể, công an, tư pháp xã đến tận nơi gặp gỡ chồng, con của hội viên. Được cán bộ Hội vừa khuyên giải, vừa răn đe, vừa tuyên truyền pháp luật và đề nghị chấm dứt bạo lực gia đình, các ông chồng cũng đã thay đổi và cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn.

Không chỉ đến một lần, chị còn chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp chi ủy, chi bộ khu dân cư cùng theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên đối với các gia đình xảy ra bạo lực. Nếu vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình phải báo cáo Ban Thường vụ hội cấp trên ngay để kịp thời ngăn chặn và giải quyết. Trong những trường hợp cấp bách, bản thân chị Nguyên đã liên hệ trực tiếp với Tòa án nhân dân huyện Tân Sơn để vào cuộc nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng cho phụ nữ.

Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu - Ảnh 3.

Ngoài các kiến thức về chăm sóc và bảo vệ bản thân, Hội còn tư vấn cho chị em các kiến thức về chăm sóc và nuôi con theo khoa học

Nhưng chị Nguyên cũng hiểu, giải quyết sau khi xảy ra bạo lực giới chỉ là giải quyết phần ngọn, chưa thể giải quyết gốc vấn đề. Chính vì vậy, chị xin chỉ đạo của Hội cấp trên và Đảng ủy xã, phối hợp với Trung tâm dân số, Trung tâm y tế, các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, Trung tâm khuyến công tỉnh, huyện mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên phụ nữ; bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt và khởi nghiệp.

"Để có tiếng nói bình đẳng trong gia đình, phụ nữ phải hiểu được quyền của bản thân, hiểu được luật pháp và phải làm chủ kinh tế. Chính vì vậy, đào tạo nghề cho chị em là hết sức cần thiết, giúp chị em có sinh kế, làm chủ bản thân, không còn cam chịu khi bị bạo lực", chị Nguyên chia sẻ.

Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu - Ảnh 5.

Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình tại xã đã giảm rõ rệt, các gia đình có cuộc sống hạnh phúc, người chồng chia sẻ việc nhà với vợ nhiều hơn

Không chỉ đào tạo nghề, chị còn hỗ trợ chị em phụ nữ có cơ hội được tận huấn, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, thậm chí cả kiến thức về vệ sinh cá nhân.

Chị còn chỉ đạo các Chi hội trưởng thành lập nhóm các chị em có nhu cầu riêng tư để tư vấn cho đúng, trúng. Phân công các tổ trưởng, tổ phó theo dõi nắm bắt từng hội viên của mình để giúp đỡ kịp thời, hiệu quả. Những mô hình này đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua, giúp cho số trường hợp bạo lực giới giảm đi rõ rệt.

Nỗ lực phòng chống bạo lực giới và hủ tục lạc hậu - Ảnh 6.

Để giúp chị em phụ nữ có kiến thức, mạnh dạn, tự tin khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển kinh tế, chị cùng tập thể BCH Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn như hướng dẫn nuôi ong lấy mật, các lớp về chăn nuôi - thú y

Chị Nguyên cũng chỉ đạo Hội LHPN xã triển khai các đề án của Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam như Đề án 343, 704, 938, 939,… nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên phụ nữ; nâng cao quyền năng của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm