Thay đổi hủ tục ở đồng bào dân tộc thiểu số: Vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục

PV
25/09/2023 - 21:12
Thay đổi hủ tục ở đồng bào dân tộc thiểu số: Vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục

Ông Triệu Văn Hương - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng thôn Tuấn Sơn

Sơn Động là 1 trong 5 huyện của tỉnh Bắc Giang được thụ hưởng Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì trong quá trình tiếp nhận, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, Hội LHPN huyện Sơn Động đã tập trung triển khai thực hiện. Quá trình bước đầu có gặp một số thuận lợi cùng những khó khăn nhất định.

Bà Đinh Thị Tuyết - Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động và ông Triệu Văn Hương - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, đã có những chia sẻ về Dự án.

Thay đổi hủ tục ở đồng bào dân tộc thiểu số: Vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Tuyết (áo xanh) - Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động

- Từ việc xác định rõ những thuận lợi, khó khăn đó thì Hội LHPN huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã có các giải pháp thực hiện như thế nào cho phù hợp, thưa bà?

Bà Đinh Thị Tuyết: Xác định giai đoạn đầu triển khai Dự án, công tác tuyên truyền là quan trọng nhất vì muốn thay đổi "Nếp nghĩ , cách làm" của hội viên phụ nữ và nhân dân, ngay từ khi tiếp nhận dự án, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao xây dựng các bản tin, nội dung tuyên truyền lưu động ngắn gọn, gần gũi với người dân, đi đến từng ngõ ngách các thôn, bản xa trung tâm. Đồng thời thường xuyên xây dựng các tin, bài, phóng sự phát thanh, truyền hình về các hoạt động của Dự án 8, tận dụng thế mạnh của loa truyền thanh truyển tải chủ trương, chính sách của Đảng đến người dân, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ khi triển khai Dự án 8 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức các chương trình, hoạt động theo đúng 4 nội dung của Dự án. Cụ thể, trong từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức được 29 lớp tập huấn, hướng dẫn, vận hành "Tổ truyền thông cộng đồng" cho 980 thành viên của 108 tổ truyền thông cộng đồng.

Hội LHPN huyện chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chọn 1 thôn điểm, thành lập và ra mắt tổ truyền thông cộng đồng. Đến nay 100% thôn, tổ dân phố đã ra mắt và vận hành đi vào hoạt động các tổ truyền thông cộng đồng. Tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, phát động chiến dịch truyền thông đối với cấp xã, cấp huyện về xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

- Vậy  có thể chia sẻ về cách lựa chọn các thành viên để thành lập những tổ truyền thông cộng đồng? Cách thức hoạt động để có hiệu quả?

Bà Đinh Thị Tuyết: Đối với các thành viên tổ truyền thông cộng đồng, chúng tôi định hướng cho các cơ sở Hội lựa chọn các cá nhân như người uy tín, Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó thôn, Ban công tác mặt trận, trưởng các ngành đoàn thể của thôn, tổ dân phố...; mỗi tổ có từ 7-9 thành viên. Đây là những cá nhân gần gũi nhất với hội viên, người dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Khi lựa chọn, chúng tôi chú trọng vào cách thức hoạt động và chỉ đạo, vận động các tổ thực hiện phương pháp tuyên truyền trực tiếp theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", kết hợp với tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để đạt hiệu quả cao nhất.

Thay đổi hủ tục ở đồng bào dân tộc thiểu số: Vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục - Ảnh 3.

Các thành viên tổ truyền thông cộng đồng thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo

- Là Tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo - một trong những tổ truyền thông tiêu biểu trong thực hiện các nội dung giai đoạn đầu của Dự án, ông Hương có chia sẻ gì?

Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện Dự án 8 của thôn tôi có 7 thành viên. Từ khi cấp trên triển khai các nội dung đến các tổ, chúng tôi tích cực tham gia các buổi tập huấn để nắm chắc kiến thức, cách nói chuyện, trao đổi để người đồng bào Dao. Thành phần tổ truyền thông có đầy đủ các ban ngành trong thôn, chúng tôi chia nhóm đến từng hộ vào thời gian hợp lý để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân nghe; đặc biệt là các nội dung liên quan đến bình đẳng giới. Khi tuyên truyền, chúng tôi dùng cả tiếng nói, vận dụng những phong tục tốt đẹp của dân tộc Dao để đồng bào có sự đồng cảm và dễ hiểu.

Bản thân ông thấy các nội dung của Dự án 8 có ý nghĩa như thế nào đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng cũng như nhân dân thôn Tuấn Sơn nói chung?

Ông Triệu Văn Hương: Trong thôn chúng tôi trước đây cũng đã thực hiện tuyên truyền về bất bình đẳng giới, nhưng còn lúng túng trong cách làm, nên gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Khi tham gia tổ truyền thông cộng đồng, được tập huấn cụ thể về các hoạt động của tổ, chúng tôi vỡ vạc ra thêm nhiều điều. Chính vì thế mà bản thân tôi cùng các thành viên trong tổ quyết tâm thực hiện tốt các nội dung Dự án này tại thôn Tuấn Sơn. Chúng tôi mong muốn sẽ giúp được nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ, bài trừ hủ tục lạc hậu đi, tiếp thu những cái hay, cái mới để cùng với xã, với thôn xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ cho vững cái thành quả xây dựng nông thôn mới của xã nhà Tuấn Đạo chúng tôi.

Thay đổi hủ tục ở đồng bào dân tộc thiểu số: Vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục - Ảnh 4.

Các tổ viên chia thành từng nhóm, đi đến các hộ dân, dùng cả tiếng dân tộc để trò chuyện

- Ông có thể chia sẻ cách tuyên truyền như thế nào để người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số hiểu rõ và làm đúng theo các nội dung của Dự án, tiến tới mục tiêu bình đẳng giới?

Ông Triệu Văn Hương: Nhìn chung người dân Tuấn Sơn chúng tôi trình độ dân trí còn chưa cao nên tôi chọn cách nói ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền các nội dung Dự án 8. Đồng thời, tuyên truyền nhiều lần, mọi lúc mọi nơi. Hộ dân nào nói và nghe tiếng phổ thông chưa giỏi thì chúng tôi dùng tiếng dân tộc. Tôi mời cả đại diện thành viên của các hộ gia đình đã hiểu, đã thông tư tưởng, thực hiện tốt Dự án 8 trong thôn cùng đi để nói chuyện với người dân, nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền, mục tiêu sâu xa vẫn là hạnh phúc từ trong gia đình trước thì thôn, bản mới yên ấm, thi đua nhau phát triển kinh tế lên được.

- Trong thời gian tới, để các nội dung của Dự án tiếp tục triển khai có hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, Hội LHPN huyện sẽ thực hiện những công việc gì, thưa bà Tuyết?  

Bà Đinh Thị Tuyết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung cao trong công tác chỉ đạo, vận động, thường xuyên sâu sát cơ sở. Với quyết tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả và tổ chức thành công các nội dung của Dự án 8 trong năm 2023 và cả giai đoạn đến năm 2030, góp phần nhằm thay đổi "Nếp nghĩ, cách làm", dần dần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ, hội viên và nhân dân, chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em, mục tiêu thực hiện thành công bình đẳng giới trong giai đoạn.

- Cảm ơn ông, bà đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm