Nỗi lo an sinh cho người cao tuổi

Nhóm PV
29/07/2021 - 09:01
Nỗi lo an sinh cho người cao tuổi

Một người phụ nữ cao tuổi quê Phú Thọ đi làm giúp việc gia đình tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Việt Nam cũng nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới.

Ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết: Hiện nay, số người cao tuổi của TPHCM cao và xếp thứ hai cả nước. Thành phố vẫn đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số. Tuổi thọ bình quân của người dân thành phố là 76,6 tuổi, so với cả nước là 73,6 tuổi. Trong khi đó, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con. Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của thành phố là 49,4%. Theo ông Trung, việc tiếp cận đầy đủ dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở TPHCM còn bị giới hạn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng của thành phố.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, băn khoăn khi nhắc đến vấn đề tự chủ kinh tế đối với người trung niên, đặc biệt là phụ nữ trung niên khi ngày càng nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. "Hôm nay người lao động còn trẻ, lĩnh BHXH một lần là có một khoản tiền vui vẻ mua sắm, làm việc này việc khác. Nhưng sau 60 tuổi, khi hết tuổi lao động rồi thì họ sống bằng gì?".

Chia sẻ với PNVN về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi chính là BHXH tự nguyện. Bởi khi tham gia BHXH tự nguyện người dân sẽ được hưởng lương hưu khi về già và không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu. Mặt khác, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng bảo hiểm y tế khi nhận lương hưu, được hưởng chế độ tử tuất.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền đề cập đến một trong những hoạt động nâng cao đời sống cho người cao tuổi. Đó là triển khai mô hình câu lạc bộ "Liên thế hệ tự giúp nhau" do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động thực hiện từ năm 2005. Đây là một mô hình dựa vào cộng đồng, tập hợp khoảng 50 - 70 người cao tuổi, có mục tiêu liên kết các thành viên nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư, hỗ trợ người cao tuổi khó khăn, giúp họ cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, bảo đảm sức khỏe và phát triển cộng đồng.

Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội những người trên 60 tuổi thuộc diện hộ nghèo hoặc không có người phụng dưỡng được hưởng trợ cấp xã hội với mức hỗ trợ tối thiểu 540.000 đồng/tháng, thấp hơn 12 lần so với mức lương tối thiểu hàng tháng của quốc gia là 4,42 triệu đồng.

Các phương thức đóng BHXH tự nguyện hiện khá linh hoạt. Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người dân có thể lựa chọn một trong các phương thức như: Đóng hàng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần...

Ngân sách nhà nước có hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, hỗ trợ 15.400 đồng/tháng tiền đóng BHXH tự nguyện đối với người tham gia không thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo.


Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm