pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi lo thường trực với quà vặt cổng trường

Hiểm họa khôn lường từ “xiên bẩn” đối với sức khỏe của học sinh
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ cổng trường
Món quà vặt phổ biến trước cổng trường phải kể đến thịt nướng, nem chua, xúc xích rán, thực phẩm từng được gọi tên "xiên bẩn" hay hàng loạt sản phẩm xanh, đỏ trong các gói đóng sẵn.
Ngó qua chiếc xe lưu động đông nghịt học sinh vây quanh, dễ thấy hàng trăm chiếc que xiên chả mực, chả cá… cùng một can dầu ăn, những túi nilon đựng thực phẩm không nhãn mác.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cần tăng cường kiểm tra mặt hàng này bởi có những hàng "xiên bẩn" thường sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thịt ôi thiu, hỏng hoặc thực phẩm đông lạnh kém chất lượng; được tẩm ướp phụ gia, phẩm màu, gia vị để át mùi ôi thiu hoặc tăng độ đậm đà nhân tạo; dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, tạo ra các chất gây hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, những loại nước ngọt, que cay, thạch dừa với giá rẻ giật mình, từ 2.000 đến 10.000 đồng, cũng thu hút học sinh. Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài.
ThS. Ngô Xuân Dũng, nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khuyến cáo, thực phẩm càng có màu sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.
Bảo vệ sức khỏe học sinh
Đã có không ít vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm khi ăn quà vặt cổng trường. Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy, có 70% - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn.
Con số cho thấy cần thực hiện những biện pháp chặt chẽ hơn trong quản lý các mặt hàng này để bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, để hạn chế những vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chức năng và sự tỉnh táo của phụ huynh, học sinh trước những mặt hàng này.
Cần thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm cũng cần được đẩy mạnh hơn.
Nhiều học sinh được bố mẹ cho tiền để tự mua đồ ăn sáng hay ăn quà vặt, trong khi các em chưa đủ hiểu biết, phân biệt được lợi, hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc. Dù đã được cha mẹ căn dặn, nhiều học sinh cũng chưa đủ bản lĩnh để vượt qua "cám dỗ" khi thấy bạn bè mình cũng ăn.
Do đó, các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa vào nội quy, quy định của nhà trường. Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát, nhắc nhở, phối hợp với các bậc phụ huynh trong quản lý, xử lý học sinh vi phạm.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành công văn số 532/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế Thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dầu mỡ chiên rán thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tuyên truyền cho người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh lựa chọn quán ăn sạch sẽ, ưu tiên những nơi có khu vực nướng sạch, nhân viên dùng bao tay, tránh các hàng quán có xiên nướng màu sắc bất thường, mùi hôi, hoặc dầu chiên đen sậm, nhiều cặn, hạn chế ăn tại các khu vực bụi bặm, nơi có nhiều xe cộ, khói bụi, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.