Nữ bác sĩ tận tâm bên "lồng ấp" để hồi sức trẻ sơ sinh

An Khê
07/12/2022 - 10:29
Nữ bác sĩ tận tâm bên "lồng ấp" để hồi sức trẻ sơ sinh

Bác sĩ Lê Hoàng Phương

Nhìn thấy nỗi đau và lo lắng của những người mẹ khi có con nằm ở khoa Hồi sức sơ sinh khiến bác sĩ Lê Hoàng Phương nhủ lòng phải gắn bó với công việc “gác lồng”. Bởi chỉ có bàn tay chăm sóc của các y, bác sĩ mới có thể sớm đưa các bé ra khỏi “lồng ấp”, sớm trở về bên vòng tay mẹ.

Sinh năm 1990, đến nay, bác sĩ Lê Hoàng Phương (Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) đã có 8 năm gắn bó với bệnh nhi. 6 năm học bác sĩ đa khoa, chị có cơ hội học và thử sức với nhiều chuyên khoa. Từ năm thứ 4 đại học, khi tiếp xúc với các em bé, nhìn thấy các bé nở nụ cười hồn nhiên cả khi bị bệnh, điều đó khiến chị Phương thêm yêu và mong muốn được gắn bó với nghề chăm sóc trẻ. Vì vậy, khi kết thúc 6 năm học, chị chọn thi vào chương trình bác sĩ Nội trú - chuyên khoa Nhi.

"Trẻ sơ sinh không nói được nên bác sĩ cho bé cần khả năng quan sát tốt, đồng thời giao tiếp với bé bằng cả trái tim", bác sĩ Lê Hoàng Phương nói. Thế nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc ấy lại là những lo lắng, trăn trở khi gặp những ca bệnh nặng. Chị kể: "Lần đó, có một em bé bị suy hô hấp phải chuyển đến bệnh viện ngay sau sinh. Mẹ bé cũng nguy kịch nên chưa nhìn thấy mặt con lần nào. Đến khi mẹ bé khỏe hơn thì bé vẫn đang tiếp tục điều trị. Khi đó, mẹ cháu xin được nhìn mặt cháu qua điện thoại chế độ video call. Lãnh đạo khoa đã chấp thuận. Khi vừa đưa camera lại gần cháu thì như có phép màu, nghe giọng của mẹ, bé nở nụ cười. Đầu dây bên kia, người mẹ bật khóc, tiếng khóc của hạnh phúc vỡ òa".

Theo bác sĩ Phương, đặc thù khi làm việc với trẻ sơ sinh, nhất là những em bé bệnh nặng, sinh non cần chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức sơ sinh chính là khả năng quan sát và xử lý vấn đề nhanh chóng và chính xác. Từng giây, từng phút đối với trẻ sơ sinh cũng đã có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vậy nên, nhân viên y tế phải thật tỉ mỉ, tinh tế và nhạy bén.

Đong đầy cảm xúc bên những “lồng ấp” hồi sức sơ sinh - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Hoàng Phương chăm sóc trẻ sơ sinh

Hằng ngày, được cống hiến sức mình để điều trị cho trẻ, được làm việc cùng đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp, đã khiến chị gắn bó với ngành y. Điều hạnh phúc đối với chị mỗi ngày đi làm là nhìn thấy những em bé trong khoa dần khỏe mạnh, các bé sinh non lớn lên, được về với vòng tay yêu thương của gia đình. "Không giống những khoa khác, ở khoa Hồi sức sơ sinh, nhân viên y tế sẽ theo dõi và chăm sóc toàn diện cho các bé 24/24 giờ. Điều đó nghĩa là không phân biệt ngày, đêm, lễ, tết, các bé luôn là ưu tiên số 1. Đây thật sự là một môi trường công việc vất vả. Những lúc nản lòng là khi biết mình thua trong trận chiến giành lại sức khỏe cho những trường hợp bệnh nặng, những bệnh mà y học chưa thể điều trị được", bác sĩ Phương trải lòng.

Để cân bằng công việc với cuộc sống, bác sĩ Phương cố gắng gói ghém hoàn tất công việc trong thời gian ở bệnh viện để khi về đến nhà là dành thời gian quý giá bên gia đình.

Những năm tháng chăm sóc trẻ sơ sinh khiến chị đong đầy cảm xúc, hạnh phúc có, nước mắt có, đều xuất phát từ những chiếc "lồng ấp" trong khoa Hồi sức sơ sinh. Vì vậy, chị bắt tay vào viết cuốn sách "Bí mật lồng ấp", được ra mắt vào tháng 8 vừa qua đã được nhiều người mẹ trẻ và cộng đồng đón nhận. "Tôi tin cuốn sách sẽ là món quà nâng đỡ và động viên tinh thần của các gia đình", bác sĩ Lê Hoàng Phương chia sẻ. "Bí mật lồng ấp" cũng là lời cảm ơn sâu sắc mà bác sĩ Lê Hoàng Phương muốn dành cho tất cả các y, bác sĩ hồi sức sơ sinh - những người đã và đang ngày đêm cống hiến sức mình, chăm lo cho sức khỏe của các bé.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm