Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số

Linh Trần
20/11/2022 - 09:50
Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương

Để dự phòng bệnh Thalassemia, căn bệnh có tỷ lệ mắc cao ở đồng bào dân tộc miền núi, người mang gene bệnh cần được tư vấn để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng; Các cặp đôi cùng mang gene đã kết hôn cần được sàng lọc trước khi mang thai.

Năm 2022, lần đầu tiên, hoạt động phòng bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một bước tiến hết sức quan trọng trên chặng đường đẩy lùi bệnh thalassemia – căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới và Việt Nam. Để hiểu rõ hơn căn bệnh này và các biện pháp dự phòng, PNVN đã trao đổi với TS.BS. Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương).

Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

TS.BS. Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương

TS. Nguyễn Thu Hà cho biết, bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Liên đoàn Thalassemia Thế giới năm 2012, có khoảng 7% dân số trên thế giới mang gen bệnh huyết sắc tố và thalassemia. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh huyết sắc tố (HST) ảnh hưởng tới 71% số nước trên thế giới, khoảng 7% phụ nữ có thai mang gen bệnh huyết sắc tố. Có khoảng 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị mang gen bệnh. Mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia mức độ nặng. Bệnh tập trung nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, Châu Á – Thái Bình Dương.

- Tình hình bệnh Thalassemia ở Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?

TS.BS. Nguyễn Thu Hà: Hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gene bệnh thalassemia và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia. Trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

Trong 54 dân tộc ở Việt Nam, 6 dân tộc chủ yếu ở miền núi phía Bắc như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao và Mông có tỷ lệ mang gen và mắc bệnh Thalassemia khá cao. Trong đó, 26,1% ở dân tộc Tày; 25,5% ở dân tộc Dao, 24,7% ở dân tộc Nùng…

Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Các bác sĩ thăm khám cho trẻ bị Thalassemia đang điều trị tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương

- Thalassemia di truyền như thế nào, thưa bác sĩ?

TS.BS. Nguyễn Thu Hà: Thalassemia là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, do vậy tỷ lệ nam và nữ bị bệnh như nhau. Khi cả vợ và chồng cùng mang gene bệnh thalassemia thì mỗi lần sinh có 25% nguy cơ con bị bệnh, 50% khả năng con mang một gen bệnh và 25% khả năng con bình thường.

- Thưa bác sĩ, khi mắc Thalassemia, người bệnh sẽ như thế nào?

TS.BS. Nguyễn Thu Hà: Người bệnh thể nặng sẽ phải sống phụ thuộc vào truyền máu và có thể phải chịu những biến chứng nặng nề như: biến dạng xương mặt, suy tuyến nội tiết, chậm phát triển, suy gan, xơ gan, suy tim… thậm chí có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Lễ ra mắt CLB Thalassemia tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La

Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.

Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

CLB bệnh Thalassemia tại Gia Lai

Thalassemia đã gây ra nhiều gánh nặng về sức khỏe, tinh thần và vật chất cho người bệnh và gia đình người bệnh. Căn bệnh còn là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Tuy nhiên, bệnh tan máu bẩm sinh lại hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng các xét nghiệm tầm soát gen bệnh đơn giản, chi phí thấp.

- Người dân cần làm gì để phòng bệnh Thalassemia, thưa bác sĩ ?

TS.BS. Nguyễn Thu Hà: Do là một bệnh đã biết rõ nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh nên bệnh thalassemia có thể phòng ngừa hiệu quả nếu có đủ hiểu biết, nguồn lực và làm tốt công tác dự phòng. Hai người khỏe mạnh bình thường, có thể cùng mang gene và khi kết hôn có nguy cơ sinh ra con bị bệnh thể nặng.

Bác sĩ chia sẻ cách dự phòng bệnh Thalassemia có tỷ lệ mắc cao ở vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Hai chị em cháu Cam Hà My và Cam Đức Mạnh, dân tộc Tày ở Yên Bái điều trị bệnh Thalassemia tại Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương

Để phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh, các bạn trẻ và những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gene bệnh càng sớm càng tốt. Người mang gene bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gen để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng.

Các cặp đôi cùng mang gene đã kết hôn cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh như chẩn đoán thai nhi hoặc chẩn đoán trước chuyển phôi (nếu cần thiết); Nếu người vợ đã mang thai cần sàng lọc trước sinh trong những tháng đầu nhằm phát hiện gene bệnh có thể có ở thai nhi và tư vấn, đình chỉ nếu phát hiện thai nhi bị bệnh thalassemia mức độ nặng.

- Xin cảm ơn bác sĩ !

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm