Nụ cười người mẹ sau 21 năm đồng hành cùng con tự kỷ

06/05/2018 - 19:45
Đối với anh Lê Đức Thành và chị Nguyễn Thị Hằng, ở Trương Định (Hà Nội), năm 2017 là một dấu mốc đặc biệt của gia đình. Bởi năm ấy, Thành Đạt, chàng trai sinh năm 1998, con của anh chị đỗ Đại học Mỏ địa chất.
Biết tin vợ mang bầu, anh Thành vô cùng phấn khởi. Từ một người hút 2 bao thuốc lá mỗi ngày, chỉ cần vợ bảo: “Anh hút thế này không bị hại bằng hai mẹ con hút thụ động” mà anh bỏ hẳn thuốc lá. Đó là điều đầu tiên từ khi có con, anh có nghị lực thực hiện.
 
Quá trình nuôi Thành Đạt cực kỳ vất vả. Đường trường ấy được anh đúc kết trong một câu hay nói với bà xã: “Hai vợ chồng mình mà là công nhân viên chức không thì không thể nuôi nổi con. Trộm vía, may cả hai vợ chồng đều có sức khỏe để cày cuốc thêm ngày đêm”.
 
fullsizerender.jpg
Niềm vui của vợ chồng chị Hằng khi con dần vượt qua tự kỷ và đỗ đại học

 

Khi Đạt được 6 tháng thì bắt đầu bị viêm phế quản co thắt. Tháng nào cũng 1- 2 lần vào viện. Có lần, 28 Tết ra viện, 29 Tết lại vào viện. Vợ hỏi chồng xem mua sắm Tết thế nào, chồng bảo chẳng cần ăn Tết nữa, chỉ cần con được về nhà thì ăn rau, ăn cỏ cũng ngon.
 
Nuôi con đến 3 tuổi mà con đi không vững, vẫn chưa biết nói, anh chị lại đưa con đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. Đến bác sĩ Hải ở Khâm Thiên, anh chị  được bác sĩ cho biết, Đạt bị tự kỷ. Tuy nhiên, vị bác sĩ này động viên: “Tuổi này con chưa biết nói thì cũng không sợ lắm. Giờ về nhà để ý xem con có nghe được không, nếu con nghe được thì cơ hội nói vẫn còn”.
 
Một hôm con ngủ, bố ngồi cạnh, lỡ tay đánh rơi cái thìa xuống nền nhà thì thấy con giật mình. Thế là vợ chồng thấy có hy vọng con mình chỉ chậm nói thôi. 3 tuổi rưỡi con nói được, anh chị chảy cả nước mắt.
 
Hồi ấy, hầu hết các bác sĩ, y tá, ai tiêm, lấy ven giỏi nhất Hà Nội, anh chị đều biết. Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba) không ai không biết anh chị. Hành trình chăm con giúp anh hiểu và trị hen giỏi, nhớ từng loại thuốc, tác dụng ra sao, dùng vào thời điểm nào. Đến năm 13 tuổi, sinh lý con phát triển, sức đề kháng tăng lên đã đẩy lùi được bệnh hen phế quản co thắt.
 
Mong muốn lớn nhất là con khôn ngoan
 
Con đến tuổi đi nhà trẻ, người ta gửi 5 con 1 tổ trẻ thì anh chị Hằng chỉ gửi 1 người 1 cháu, trả tiền gấp đôi. Con ăn khỏe, bà trông trẻ không kham được, bố mẹ lại tự ninh xương, ninh cháo, mang cả nồi áp suất sang để bà trông trẻ cho con ăn.
 
Anh chị tâm sự: “Cái gì tiết kiệm thì tiết kiệm chứ tiền thuốc, tiền ăn, tiền học cho con thì không bao giờ tiếc”. Đạt vào cấp 3 bố vẫn còn tắm cho con. Đến tuổi này, mỗi lúc ăn thịt gà, bố vẫn nhắc: “Con ăn cẩn thận kẻo hóc”.
 
Trước khi vào lớp 1, anh chị tìm cô giáo dạy trước cho con một năm. Một cô một trò mà cô giáo cũng mất kiên nhẫn. Con hoàn toàn không ghép được chữ, không nhớ chữ. Anh chị lại thót tim nghĩ: “Con mình không học được rồi”. Nhưng như quyển vở sang trang, sau 9 cuốn sách O, A giở đi giở lại đến nát bươm, con trai anh chị đã nhớ vanh vách các chữ. Hy vọng lại về với bố mẹ.
 
Suốt các năm tiểu học, anh Thành kẽo kẹt đưa con đi học từ sáng đến đêm. 5 năm cấp 1, con luôn ngồi bàn đầu vì bố mẹ không giấu việc con tiếp thu chậm, nhờ các thầy cô lưu ý, giúp đỡ.
 
Năm lớp 12, các thầy cô động viên anh chị đừng ép con thi đại học vì đó là cuộc thi cạnh tranh khốc liệt, con không thể chịu được áp lực đó. Anh chị vẫn động viên con thi vào trường con muốn dù đã tìm sẵn trường dân lập cho con học.
 
Ngoài 3 anh chị gia sư kèm con môn Văn, Toán và tiếng Anh, buổi tối, bố lại kẽo kẹt đưa con đi học thêm Lý. Vợ chồng phải dậy sớm bán hàng, tối chở con đi học ca 2, mắt mũi anh cay xè. Bố cứ mua 1 chai nước, 1 cái bánh đa Kê nhấm nháp 2 tiếng đồng hồ chờ con. Có lần đi trên đại lộ Thăng Long, bố con suýt bị đâm vì anh buồn ngủ quá.
 
Đầu tư cho con của anh chị Hằng là “không biên giới”. Anh chị nghĩ, tài sản của mình không phải tính bằng 5 tầng, 7 tòa mà sau này nhìn thấy con khôn ngoan, trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, xây dựng gia đình, có thể tự chăm lo cho mình thì bố mẹ có chết cũng an lòng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm