pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ giám đốc thay đổi tư duy, cách làm để hợp tác xã vận hành ổn định
Chị Hoàng Bích Ngọc, Giám đốc HTX Nà Pái, bên sản phẩm hoa hồi của HTX
Chị Hoàng Bích Ngọc chia sẻ, trước khi thành lập HTX Nà Pái, chị đã có 5 năm thất bại với các mô hình chăn nuôi vì chưa có kinh nghiệm. Đặc biệt, tư duy làm kinh tế hộ gia đình quy mô nhỏ thích gì làm nấy, gần như chưa biết gì về quản lý nguồn tiền vào, tiền ra, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên việc làm kinh tế của gia đình liên tục bị thất bại.
Sau khi tham gia lớp khởi sự kinh doanh do Hội cấp trên tổ chức, tư duy làm kinh tế của chị đã thay đổi. Qua những khóa tập huấn, chị được tiếp cận với các kiến thức kinh doanh, được các thầy cô giáo chỉ cho hướng phát triển kinh tế. Từ đó, chị xác định được mục đích, kế hoạch cần triển khai những dự án gì để có hiệu quả kinh tế. Chị cũng được học cách tính chi phí chi tiêu, cách hạch toán kinh doanh.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình làm quản lý HTX, chị Hoàng Bích Ngọc cho biết, làm kinh tế hộ gia đình khác so với quản lý mô hình kinh tế tập thể với nhiều thành viên, hộ gia đình. Việc "lời ăn lỗ chịu" không còn bó hẹp trong gia đình mình nữa mà kết quả hoạt động của HTX ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các thành viên.
Một người "đứng mũi chịu sào" sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, phải tính toán cho từng công đoạn, mắt xích để HTX vận hành ổn định. Ngay khi thành lập HTX, phải có chữ ký số, giấy tờ pháp lý liên quan. Bản thân chị em mới làm quản lý HTX sẽ rất lúng túng với các loại báo cáo tài chính, báo cáo kinh doanh. Thậm chí, việc sử dụng thành thạo máy tính cũng là một khó khăn không nhỏ với phụ nữ ở vùng khó.
Đứng trước muôn trùng khó khăn đó, bản thân chị Hoàng Bích Ngọc luôn xác định, phải làm bằng được, cái gì chưa biết thì đi hỏi, học theo các mô hình khác. Ở đâu có mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ là chị đăng ký tham gia. Những công nghệ có thể áp dụng được cho HTX là chị bắt tay làm ngay để "xóa mù" công nghệ cho bản thân và cho các thành viên. Từ những người nông dân không biết đến máy tính, công nghệ, hiện tại, HTX đã có fanpage riêng, có kênh Tiktok… để đẩy mạnh việc bán hàng.