Thất nghiệp vì Covid-19, nữ hướng dẫn viên du lịch "xoay sang" điêu khắc lưu hình trên lá bồ đề

Bài, ảnh: Hoài Thương
04/06/2020 - 21:02
Thất nghiệp vì Covid-19, nữ hướng dẫn viên du lịch "xoay sang" điêu khắc lưu hình trên lá bồ đề
Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề xuống ngành du lịch Việt Nam. Hệ lụy kéo theo là hàng ngàn hướng dẫn viên thất nghiệp nhiều tháng. Chị Nguyễn Thị Diệu Huỳnh (Q.Phú Nhuận, TPHCM) cũng nằm trong số đó. Chị đã linh hoạt khởi nghiệp bằng cách đi nhặt lá bồ đề về làm tranh gân lá.

Khởi nghiệp từ sự khác biệt

Chị Diệu Huỳnh là một hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh làm việc tại TPHCM đã thất nghiệp gần nửa năm qua do dịch Covid-19 bùng phát. Vốn là hướng dẫn viên cho khách du lịch nước ngoài nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, dù có hết giãn cách xã hội, các ngành nghề khác quay trở lại làm việc nhưng chị vẫn chưa thể đi làm. Bản thân chị còn là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, vậy nên gánh nặng kinh tế luôn đè lên vai.

Chị Diệu Huỳnh chia sẻ: "Tôi bị suy nhược và liệt cơ mắt đã phải mổ mấy lần nên không thể đi xe máy được. Vậy nên tôi luôn suy nghĩ làm việc gì đó nằm trong khả năng cho phép để có tiền trang trải cho 3 mẹ con. Mình thì có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng các con còn nhỏ quá, đứa 5 tuổi, đứa 7 tuổi vẫn còn trong độ tuổi phải lo sữa, lo ăn. Vậy nên tôi đã tìm hướng khởi nghiệp. May mắn là nghề làm tranh gân lá này đã bén duyên với mình và được mọi người ủng hộ".

Nữ hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp vì covid-19 khởi nghiệp điêu khắc lưu hình trên lá bồ đề - Ảnh 1.

Chị bắt đầu làm tranh từ gân lá bồ đề để tặng bạn bè

Ban đầu, thấy bạn bè bán đồ ăn vặt online chị tính làm theo. Thế nhưng, bản thân chị không thể chạy xe đi giao hàng thường xuyên, bán hàng chủ yếu lấy công làm lãi mà phải thuê xe ôm đi giao thì không có lãi. Thế rồi, trong một lần tình cờ, thấy lá bồ đề đẹp, giống hình trái tim nên chị mang về ép vào vở cho đẹp. Sau đó, chị lên mạng thấy ở các nước làm tranh gân lá rất sáng tạo, từ đó chị mày mò, rồi tự sáng tạo theo hướng mới của riêng mình.

Chị Diệu Huỳnh bộc bạch: "Lúc đầu, tôi làm tranh từ gân lá bồ đề chủ yếu tặng bạn bè. Không ngờ, bạn bè đón nhận và khuyên mình làm để bán. Thế là tôi mới thử làm bán. Bán được vài bức thì bắt đầu có nhiều người đặt hơn. Tôi chọn lá bồ đề để tạo tranh vì lá này gắn liền với Đức Phật, tôi cũng thích nghiên cứu về tôn giáo. Ngoài ra, lá có hình trái tim mang ý nghĩa về tình cảm. Tôi muốn đưa đến thị trường sản phẩm được làm bằng chính tấm lòng và tình cảm của mình chứ không đơn thuần chỉ là sản phẩm giao dịch. Các dòng tranh hiện nay có nhiều loại và tôi đi sau nên tôi muốn khác biệt. Mình mà làm giống họ thì sẽ không thể cạnh tranh và không có chỗ đứng. Vậy nên tranh gân lá bồ đề của tôi khi đưa ra thị trường được đánh giá là sản phẩm mới, độc và lạ".

Đặt cái tâm vào từng sản phẩm

Kể lại mỗi lần đi nhặt lá, chị Diệu Huỳnh hay bắt gặp những ánh mắt thắc mắc. Vì mọi người không biết chị nhặt lá để làm gì, sao lại đi lượm từng chiếc lá và có vẻ rất nâng niu. Trong khi lá rụng xuống người ta thường quét và đổ hết vào thùng rác. "Mọi người đâu có biết, họ thấy tôi cứ lúi húi nhặt lá, mà lá bồ đề khi rụng không nhặt thì người ta cũng quét bỏ. Tôi cũng không thể giải thích là mình nhặt lá về làm tranh nên ai hỏi, tôi chỉ nói nhặt rác cho sạch thôi", chị Huỳnh kể. Sau khi nhặt lá về, chị luộc trong 4 tiếng đồng hồ để thịt lá chín rã ra, sau đó lấy bàn chải đánh răng chà hết phần thịt lá và chỉ giữ lại phần gân đối với những tranh gân lá. Còn với tranh điêu khắc trên lá thì trước khi chà lá, chị Huỳnh vẽ lên lá và khi chà thì chừa phần hình đó ra. Sau khi chà lá xong, chị mang đi ngâm để cho lá trắng, ngâm xong thì phơi. Cuối cùng là dùng bàn ủi để ủi cho lá thẳng, khô hoàn toàn để không bị ẩm và mốc.

Nữ hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp vì covid-19 khởi nghiệp điêu khắc lưu hình trên lá bồ đề - Ảnh 2.

Chị Huỳnh tự tin điêu khắc lưu hình trên lá ở Việt Nam chưa thấy ai làm

Chị Huỳnh cho hay: "Thực ra, các loại lá có gân đều có thể làm tranh được nhưng hiện nay lá bồ đề là ưu điểm nhiều nhất. Lúc trước, tôi nghĩ lá bồ đề ở Sài Gòn này hiếm nhưng khi ra thực tế để nhặt về thì có rất nhiều. Mỗi lần đi nhặt một bao lá là cũng đủ làm được 2-3 bức tranh. Nên việc đi tìm nguồn lá không khó". Để có được những bức tranh hoàn chỉnh như hiện nay, chị đã tự mày mò nghiên cứu các quy trình, từ đó đúc kết công thức làm. "Hiện tại xếp lá và vẽ tranh nghệ thuật trên gân lá thì đã có người làm. Nhưng để điêu khắc lưu hình lại trên lá như mình mà không phải vẽ từ bên ngoài thì ở Việt Nam chưa thấy ai làm. Tôi cũng tìm hiểu trước để tránh trùng lặp và phải sáng tạo để có sự mới lạ cho sản phẩm", chị Huỳnh bộc bạch.

"Công thức chung" để tạo một bức tranh gân lá theo chị Huỳnh chia sẻ là tỉ mỉ cộng đam mê: "Tôi không phải người bên ngành hội họa nhưng khi vẽ, tôi cũng đặt cả cái tâm vào trong đó. Nếu tôi suy nghĩ vẽ cho xong để đi bán thì tôi vẽ không đẹp. Làm cái gì cũng phải có sự tỉ mỉ và yêu thích thì mới thành công được".

Sau hơn 2 tháng khởi nghiệp, chị Diệu Huỳnh đã bán được gần 40 bức tranh, chủ yếu các tranh loại nhỏ. Giá bán hiện nay dao động từ 400 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy vào bức tranh lớn hay nhỏ. Chị Diệu Huỳnh có lời khuyên dành cho các bạn khởi nghiệp sau dịch Covid-19: Đừng quá hoang mang hay buồn rầu khi thất nghiệp. Nên suy nghĩ tích cực và bình tĩnh trong mọi khó khăn, từ đó tư duy tìm hướng phát triển. Khi tìm được mục đích theo đuổi thì phải kiên định với lập trường của mình. Hãy luôn dự trù cho mình một nghề tay trái, để khi nghề chính gặp rủi ro thì mình vẫn có thể tồn tại nhờ nghề thứ 2.

Hiện nay, chị Diệu Huỳnh mới khởi nghiệp nên chưa mở cửa hàng, khách hàng có nhu cầu đặt tranh gân lá có thể liên hệ trực tiếp với chị qua số điện thoại: 0931853223 hoặc facebook Bồ Đề Tâm.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm