pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nữ quái" lập facebook giả mạo lãnh đạo cấp cao để lừa "chạy án"
Cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng
Vừa qua, Công an huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, đã tiến hành bắt giữ và điều ra đối tượng Nguyễn Thị Hoài (27 tuổi, trú tại phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: thông qua hình thức mạo danh lãnh đạo Nhà nước lừa chạy án.
Để phục vụ cho hành vi lừa đảo, đối tượng đã lập nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội có gắn hình ảnh một số lãnh đạo, sau đó tự nhắn tin giới thiệu với người nhà nạn nhân là mình có khả năng can thiệp để giảm án.
Theo điều tra ban đầu, cuối năm 2023, Hoài có quen với một người dân trú tại xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar và biết người này có em trai đang bị Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, bắt giữ về tội "Cố ý gây thương tích", Nguyễn Thanh Hoài đã nảy sinh ý định lừa "chạy án" để chiếm đoạt tài sản. Vì tin tưởng nên người nhà nạn nhân đã 5 lần đưa tổng số tiền 145 triệu đồng cho Hoài. Đến cuối tháng 2, Hoài tiếp tục yêu cầu người nhà nạn nhân đưa thêm 60 triệu đồng. Do nghi ngờ bị lừa, người nhà nạn nhân đã trình báo lên Công an huyện Cư M'gar. Nhận được tin báo, Công an huyện Cư M'gar đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và bắt quả tang khi đối tượng Hoài đang nhận số tiền 59 triệu đồng từ người nhà nạn nhân.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã rất nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân nhưng vẫn có nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo đàu tư tài chính trên không gian mạng
Thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận đơn trình báo người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Thậm chí có nạn nhân bị lừa nhiều nhất 57 tỷ đồng.
Một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa phổ biến có thể kể đến như: kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân…
Đáng chú ý, giai đoạn giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền ảo tăng trong thời gian qua cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội tăng cường hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng thông qua các sàn giao dịch, các website đối tượng đưa ra.
Dù chiêu trò của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi nên khiến nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Nhiều nhóm đối tượng trong nước lập ra các sàn, trang web đầu tư tài chính giả mạo sàn quốc tế, hoặc thậm chí tự cho ra đời các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư dẫn đến nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất cao.
Các đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tiền của người tham gia. Mục đích cuối cùng là nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Trên thực tế, tại Việt Nam, khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền mã hóa chưa cụ thể, rõ ràng, người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa công khai trên không gian mạng và qua các sàn giao dịch quốc tế cũng như các sàn giao dịch trong nước, hoặc thông qua ứng dụng OTT, hay trên các hội nhóm, diễn đàn.
Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng. Tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.
Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lâm Đồng: Tuyệt đối cảnh giác trước chiêu trò "Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo"
Trên không gian mạng trên phạm vi cả nước, cơ quan chức năng ghi nhận có nhiều trường hợp người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng…
Theo Công an TP Đà Lạt, gần đây trên các Fanpage thường xuyên có nhiều bình luận đăng tải quảng cáo dịch vụ lấy lại được tiền bị treo, bị lừa đảo với những thông tin mập mờ, mang tính chất dẫn dụ, không để lại thông tin xác thực. Các hội nhóm với tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"…, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư… Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết". Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.
Hàng loạt những bài bình luận hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.
Lừa đảo bằng mã quét QR trên bưu phẩm có thẻ cào trúng thưởng
Những ngày gần đây, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam chia sẻ thông tin cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới. Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới bằng hình thức gửi bưu phẩm tới nhà dân thông qua shipper (người vận chuyển hàng hóa), bên trong có thông báo trúng thưởng chứa mã QR nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp thông tin người dùng và chiếm đoạt tài sản.
Một số người dân trên một số địa phương đã nhận được bưu phẩm từ shipper (người vận chuyển giao nhận hàng hóa), khi mở ra bên trong có phiếu cào trúng thưởng. Trên phiếu cào, khi cào ra có giải thưởng, để được nhận thưởng phải truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận thưởng. Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới rất nguy hiểm.
Hiện nay, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chưa ghi nhận trường hợp người dùng bị lừa đảo trực tuyến bằng hình thức quét mã QR trên phiếu trúng thưởng trong bưu phẩm shipper gửi đến. Tuy nhiên, lừa đảo mã QR không còn là một chiêu trò mới. Trước đây đã có rất nhiều trường hợp người dùng sau khi quét mã QR trên các website hoặc email (thư điện tử) đã bị điều hướng sang một trang lừa đảo, bị lấy cắp thông tin tài khoản hoặc dẫn dụ để tải mã độc về thiết bị.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng đã điểm ra những hình thức chiêu trò của các đối tượng lừa đảo mã QR, đồng thời đưa ra những cảnh báo và biện pháp phòng tránh cho người dân. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo ngày một trở nên tinh vi khi linh hoạt rất nhiều các chiêu trò khác nhau dẫn đến nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy.
Với thực trạng đã từng diễn ra của hình thức lừa đảo này, khả năng mã QR được in trong phiếu quà tặng để lừa người dân truy cập vào website giả mạo hòng chiếm đoạt thông tin, tài sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Để phòng tránh lừa đảo qua mã QR, Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân cần thận trọng khi quét mã, nhất là các mã sử dụng ở nơi công cộng hoặc chia sẻ qua mạng xã hội hay email. Người dùng cũng cần xác định, kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người chuyển mã QR, cũng như nội dung trang web mà mã QR đưa tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với "https" và có phải tên miền quen thuộc hay không. Ngoài ra, với hình thức lừa đảo QR mới trên, người dân tuyệt đối không nhận bưu phẩm mà mình không đặt, không biết rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có trường hợp lừa đảo hình thức trên, cần kịp thời báo cho cơ quan công an gần nhất.
Người phụ nữ bị chiếm đoạt hơn 5,4 tỷ vì tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder
Đầu tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn của chị T., trình báo việc sự việc bị chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng.
Tại cơ quan, Chị T. cho biết có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông tự giới thiệu là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Singapore. Sau khi tạo niềm tin với chị T., người này mời chị tham gia chơi tiền ảo. Lần đầu chị T. nạp 20 triệu đồng và ngay lập tức được rút 30 triệu đồng. Chị tiếp tục nạp 266 triệu đồng và rút ra được 304 triệu đồng. Sau 2 lần nạp tiền, chị T. đã thu về lợi nhuận 48 triệu đồng, lãi 16,8% số tiền gốc chị bỏ ra trong vòng 2 ngày. Chị tiếp tục nạp 300 triệu đồng thì được thông báo "tài khoản thắng 10,1 tỷ đồng" nhưng không rút được tiền. Hệ thống thông báo "phải nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân".
Chị T. đã nộp 1,7 tỷ đồng tiền tiền thuế thu nhập cá nhân, 2 tỷ tiền xác minh tài khoản để rút được tiền về và 1,4 tỷ để tham gia kênh rút tiền nhanh. Tuy nhiên, chị vẫn không rút được. Chỉ trong vòng 5 ngày, chị đã chuyển cho các đối tượng 5,4 tỷ đồng. Sau đó, chị biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Cảnh báo về tình trạng trên, công an cho biết, lợi dụng việc ngày càng có nhiều người dùng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sẽ tìm hành động qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo...
Sau khi kết bạn, nói chuyện và tạo được niềm tin, các đối tượng sẽ chuyển sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia vào đầu tư đầy hấp dẫn. Nếu nạn nhân chấp nhận chi tiền, số tiền lãi sẽ được hoàn lại ngay để tăng độ tin tưởng. Khi nạn nhân bỏ ra một số tiền lớn nhất định, các đối tượng sẽ lấy lý do: "nâng cấp gói VIP", "hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư", "gỡ bỏ chế độ an toàn"… để chiếm đoạt tài sản.
Để chấm dứt tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên mạng xã hội. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (https://canhbao.khonggianmang). Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy gửi phản ánh về địa chỉ của trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.