pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ tiểu thương TPHCM ứng dụng công nghệ để thúc đẩy kinh doanh
Chị Trần Thu Hà (phải) đưa mã QR cho khách thanh toán bằng hình thức chuyển khoản
Việc kinh doanh ảm đạm
Bà Giang Ngọc Anh, dân tộc Hoa, 64 tuổi, đã kinh doanh tại chợ Bình Tây (Quận 6, TPHCM) hơn 20 năm. Bà chuyên bán sỉ ngành hàng túi thời trang, cặp, balo học sinh.
"Tình hình buôn bán, kinh doanh hiện nay rất tệ. Lúc dịch Covid-19 căng thẳng, tôi vẫn còn bán được nhưng sau dịch, kinh tế suy thoái, chúng tôi kinh doanh rất khó khăn. Trước đây, dù ít dù nhiều, ngày nào tệ lắm tôi cũng kiếm được vài triệu đồng, còn bây giờ có ngày không thu được đồng nào. Có thời điểm, tôi phải đóng cửa hàng, nghỉ mấy ngày liền vì ế ẩm", bà Anh than thở.
Tiếp lời mẹ, chị Muội, con gái của bà Anh, cho biết thêm: "Lúc trước, ngành hàng của chúng tôi còn có 2 mùa kiếm được, đó là mùa khai giảng năm học - bế giảng và mùa Tết. Hai mẹ con đóng hàng gửi đi không kịp, đắt hàng đến nỗi không có thời gian để ăn uống.
Chúng tôi phải mướn thêm người phụ việc. Nhưng 2 năm nay, sạp của chúng tôi không được đắt khách như vậy nữa. Giờ kinh tế khó khăn, nhiều người thắt chặt chi tiêu, họ lo cái ăn trước, cặp sách không cần thiết phải mua mới".
Hiện nay, tiểu thương là người Hoa chiếm hơn 25% tổng số hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây. Dù là chợ đầu mối bán sỉ hàng hóa của TPHCM nhưng chợ Bình Tây cũng rơi vào cảnh ảm đạm, vắng người mua.
Không chỉ tại chợ truyền thống, tình hình kinh doanh cũng khó khăn với các nữ tiểu thương ở khu vực khác. Tại đường Hải Thượng Lãn Ông (Phường 14, Quận 5, TPHCM), vốn nổi tiếng là nơi mua sắm đồ trang trí của người Hoa, tình hình kinh doanh thường xuyên trong cảnh đìu hiu.
Chị Mi Mi, một chủ cửa hàng chuyên bán đồ cưới trên đường Hải Thượng Lãn Ông, cho biết: "Từ sau dịch Covid-19 tới nay, con đường kinh doanh này ế ẩm hơn nhiều. Cửa hàng của tôi bán các sản phẩm như thiệp, đồ trang trí, cổng hoa… phục vụ việc cưới hỏi vẫn được duy trì nhưng nhu cầu mua sắm ít hơn, tiết kiệm hơn, cái nào cần thiết lắm mới mua. Hàng bán chậm nên tôi không dám nhập hàng nhiều, vì sợ hàng bán không hết, mình lại lâm vào nợ nần".
Đồng hành cùng nữ tiểu thương vượt khó
Trong thời đại công nghệ số phát triển, giải pháp vượt khó được nhiều nữ tiểu thương người Hoa lựa chọn là tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động bán hàng, thanh toán…
Bà Giang Ngọc Anh cho biết: "Tình hình buôn bán tại chợ truyền thống ế ẩm nên chúng tôi mày mò học cách ứng dụng công nghệ để tăng doanh thu. Tôi nhận thấy điểm hạn chế của mình trong việc nắm bắt công nghệ nên tôi kêu con gái học hỏi, áp dụng rồi hướng dẫn cho tôi.
Từ khi ứng dụng công nghệ, tôi thấy nhiều khâu thuận lợi. Ví dụ như việc thanh toán trước đây khách hàng thường phải đến tận nơi để lựa hàng, trả tiền rồi về, còn bây giờ, người bán và khách hàng chỉ việc trao đổi qua mạng rồi chốt đơn. Tiền thì được chuyển khoản rất nhanh. Hay việc kết nối với bạn hàng trước đây mỗi tháng, tôi phải tốn mấy triệu đồng gọi điện thoại, nay mình gọi qua ứng dụng, không tốn tiền điện thoại nhiều".
Tương tự, chị Trần Thu Hà, dân tộc Hoa, chủ sạp vải tại chợ Bình Tây, cũng đã học cách bán hàng online, gửi hình ảnh hàng mẫu cho khách hàng qua nhóm trên mạng xã hội. Phương thức thanh toán bằng mã QR cũng được chị Hà tích cực thực hiện, vừa nhanh vừa thuận tiện cho cả người bán và người mua. Khách hàng đi chợ không cần mang quá nhiều tiền, không sợ bị cướp giật hay bị rơi mất.
Tại Phường 6 (Quận 11, TPHCM) hiện có hơn 82% dân số là đồng bào người Hoa sinh sống. Phụ nữ người Hoa ở đây chủ yếu buôn bán nhỏ.
"Nhận thấy việc kinh doanh của các cô, các chị đang gặp khó khăn, chúng tôi đã hỗ trợ, đồng hành cùng các nữ tiểu thương vượt khó bằng nhiều chương trình như hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, tổ chức chương trình hướng dẫn cho chị em cách thức làm ăn trong thời đại số, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh", bà Phan Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Phường 6, cho biết.