pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kinh doanh qua mạng xã hội: Cơ hội và thách thức với phụ nữ - Bài 2: Sự chuyển mình của các nữ tiểu thương
Các tiểu thương tại TP Đà Nẵng tham gia chương trình tập huấn chuyển đổi số, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến
Cơ cấu khách hàng thay đổi
9h sáng, chị Nguyễn Thị Bình, một tiểu thương tại chợ Kim Liên (Hà Nội), đang thái thịt cho khách thì nhận được cuộc điện thoại đặt hàng của một khách hàng quen. Hơn 20 năm bán thịt bò, trong đó 2 năm đại dịch Covid-19 là khoảng thời gian chị mất nhiều đêm thao thức, trăn trở nghĩ cách duy trì việc buôn bán trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Chị Bình nghĩ ra cách nhắn tin cho các khách hàng quen để hỏi nhu cầu và đề nghị sẽ giao hàng tận nhà. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, những khách hàng quen của chị Bình vẫn giữ thói quen cần hàng là gọi điện, nhắn tin cho chị Bình, thay vì phải đến chợ mua thịt trực tiếp.
Thế rồi, người này giới thiệu người kia, giờ đây, chị Bình có một danh sách khách hàng chuyên đặt mua thịt của chị qua zalo, điện thoại. "Cơ cấu khách hàng của tôi hiện tại là 70 - 30, trong đó 70% lượng thịt bán trực tiếp tại chợ và 30% lượng thịt được giao đến tận nhà khách hàng", chị Bình chia sẻ.
Hiện tại, thời gian ngồi ở chợ của chị Bình không còn dài như trước. Thay vào đó, chị kết nối với một người giao hàng "ruột", chuyên giao hàng tận nhà cho khách.
Bà Phan Mai, chủ một tiệm bách hoá trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội), nhớ lại những ngày mới mở cửa hàng, bà không dám đi du lịch, thậm chí, nhà có công có việc, bà cũng không dám đóng cửa hàng vì chỉ sợ… mất khách.
Những năm gần đây, khi nhu cầu mua hàng online tăng cao, bà Mai đã tìm tòi, học hỏi và mở một Fanpage để bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, bà cũng đăng ký bán hàng trên trang thương mại điện tử. "Thời 4.0 rồi, nếu mình cứ duy trì cách bán hàng truyền thống, không theo kịp xu thế mua sắm thì tự mình đã loại mình ra khỏi cuộc chơi", bà Mai chia sẻ.
Sau 2 năm triển khai bán hàng online, giờ đây, doanh thu từ phương thức bán hàng này chiếm 50% doanh thu của cửa hàng bà Mai. Bà có thể rảnh rang đi du lịch cùng bạn bè và điều hành hệ thống bán hàng, nhân viên giao hàng… chỉ bằng một chiếc smartphone.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp thuận lợi như bà Mai hay chị Bình. Bà Hằng, một tiểu thương cao tuổi đang bán vải ở chợ Hôm (Hà Nội), buồn rầu nói: "Chắc tôi phải nhượng lại sạp hàng cho người khác, chứ giờ buôn bán ế ẩm lắm!".
Ở tuổi ngoài 80, bà Hằng vẫn duy trì đều đặn công việc của mình - đi bộ từ nhà đến chợ lúc 9 giờ sáng và ra về vào lúc 5 rưỡi chiều. Nhưng dọn hàng ra rồi có khi bà Hằng lại ngồi đọc kinh cả ngày mà không có khách hỏi. Với sự phát triển của các hình thức mua bán online, nhiều người mua hàng hạn chế đặt chân đến các sạp hàng tại chợ như của bà Hằng.
Nỗ lực chuyển đổi
"Tôi cũng như nhiều chị em tiểu thương khác trong chợ tuổi đã cao nên cập nhật kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ không được nhanh nhạy như người trẻ. Từ trước đến giờ, tôi sử dụng điện thoại thông minh chỉ để gọi điện thoại cho con cháu, không biết cách chụp ảnh hay livestream bán hàng trên mạng.
Nhưng tôi tin mình cứ từ từ học hỏi thì cũng sẽ làm được. Tôi thấy các sạp hàng bên cạnh từ khi bán hàng trên mạng đều tăng lượng khách hàng tương tác, lượng hàng hóa tiêu thụ cũng được nhiều hơn trước. Cả chợ đang dần chuyển sang vừa bán hàng trực tiếp, vừa bán hàng online nên tôi cũng không thể đứng im mãi được.
Tôi đã đăng ký tham gia các lớp hướng dẫn bán hàng trên mạng, học cách tương tác trên mạng xã hội; đầu tư điện thoại "xịn" để chụp ảnh, trang bị thêm đèn, chân cài điện thoại… để có thể tự tin bán hàng trên mạng", bà Lê Thị Thanh, một tiểu thương tại TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) tâm sự.
Linh hoạt chuyển mình, nhiều tiểu thương đang dần bắt nhịp với hình thức bán hàng trực tuyến, thay đổi để tận dụng các lợi thế của mạng xã hội, giữ chân được khách hàng cũ và tăng lượng khách hàng mới, tăng doanh thu cho sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình.
Bài sau: Vượt qua rào cản và rủi ro