pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ tổng thống đầu tiên của Peru
Bà Dina Boluarte
Lên nắm quyền trong khủng hoảng chính trị
Với 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng, Quốc hội Peru đã thông qua quyết định phế truất Tổng thống Pedro Castillo. Cảnh sát Quốc gia Peru (PNP) ngay sau đó đã thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Castillo và cựu Thủ tướng Anibal Torres. Hai chính trị gia này đã được đưa về trụ sở cơ quan an ninh ở thủ đô Lima.
Quyết định nêu trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó, ông Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội Peru, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Động thái của ông Castillo lập tức dẫn đến làn sóng từ chức của một loạt thành viên nội các, phản ứng dữ dội từ nhiều quan chức cấp cao và sự lên án từ cộng đồng quốc tế. Các lực lượng vũ trang Peru cũng gọi động thái trên của ông Castillo là "vi hiến". Văn phòng Tổng Chưởng lý Peru cho biết ông Castillo bị bắt vì cáo buộc nổi loạn, vi phạm trật tự hiến pháp.
Peru chìm trong các cuộc khủng hoảng chính trị trong những năm gần đây với nhiều nhà lãnh đạo bị cáo buộc tham nhũng, bị luận tội và phế truất. Kể từ năm 2016 đến nay, Peru đã trải qua 6 đời tổng thống.
Năm 2016, ông Pedro Pablo Kuczynski được bầu làm tổng thống Peru với nhiệm kỳ kéo dài tới tháng 3/2018. Tiếp theo đó là các tổng thống Martín Vizcarra (2018 - 2020), Manuel Merino (chỉ trong 6 ngày từ 10 tới 15/11/2020), Francisco Sagasti (2020 - 2021), Pedro Castillo (2021 - 2022). Trong 1 năm rưỡi nắm quyền, Tổng thống Pedro Castillo đã phải thay đổi và bổ nhiệm tới 5 thủ tướng. Hầu hết thủ tướng có nhiệm kỳ kéo dài chỉ vài tháng, có người làm thủ tướng chỉ 8 ngày.
Sau quyết định phế truất Tổng thống của quốc hội, Phó Thủ tướng Dina Boluarte trở thành tân lãnh đạo với nhiệm kỳ kéo dài đến tháng 7/2026. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trên cương vị Tổng thống, bà Boluarte kêu gọi ngưng xung đột chính trị để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. "Những gì tôi yêu cầu là không gian và thời gian để giải cứu đất nước", bà Boluarte nói.
Thách thức với nữ tổng thống
Bà Boluarte sinh ra ở Apurimac, Chalhuanca, một trong những vùng miền núi phía nam Peru trong một gia đình 14 người con. Ban đầu, bà dự định học ngành y tá ở Cusco nhưng sau cùng quyết định học Luật ở thủ đô Lima. Bà lấy bằng cử nhân và thạc sĩ Luật Công chứng và Đăng ký tại Đại học San Martín de Porres.
Bà Boluarte thông thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Quechua. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình năm 2007 tại Cơ quan đăng ký quốc gia về nhận dạng và hộ tịch, nơi ghi lại các ca sinh, kết hôn và tử vong ở Surco, với tư cách là cố vấn cho ban quản lý cấp cao và sau đó là người đứng đầu văn phòng địa phương.
Năm 2018, bà là ứng cử viên cho chức thị trưởng Surquillo với đảng Peru Tự do. 2 năm sau, vào năm 2020, bà tham gia vòng bầu cử quốc hội nhưng không giành được ghế. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021, bà là ứng cử viên cho chức phó tổng thống của đảng Peru Tự do. Theo Ban giám sát bầu cử quốc gia (JNE), đội ngũ tranh cử của ông Castillo đã chiến thắng ở vòng hai sau khi nhận được 8.836.380 phiếu bầu. Trong chính quyền cũ của ông Castillo, bà là phó tổng thống và bộ trưởng Phát triển và Hòa nhập Xã hội.
Nhà phân tích chính trị Cynthia McClintock cho biết, khó khăn bây giờ là liệu bà Boluarte có thể xoa dịu mong muốn của người dân Peru về một khởi đầu mới hay không. 87% người dân Peru tin rằng con đường tốt nhất cho đất nước là tổ chức các cuộc tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử mới có thể mang lại những thách thức riêng vì "các đảng chính trị vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng".
Mặt khác, bà Boluarte sẽ rất khó để xây dựng một liên minh. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Mỹ CNN, bà Boluarte cho biết: "Chúng tôi cần một quốc hội hoạt động vì nhu cầu của xã hội Peru và phối hợp tích cực với cơ quan hành pháp để cả hai quyền lực của nhà nước có thể phối hợp làm việc để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội Peru".
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Boluarte nhấn mạnh nếu xã hội và tình hình chính trị trong nước đòi hỏi cần phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm, các bên có thể đối thoại để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà Boluarte cũng kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt các cuộc biểu tình để có thể tìm được một giải pháp hòa bình, giúp đất nước bình yên trở lại. Liên quan tới đề xuất của một số đảng chính trị và dư luận về việc tổ chức một cuộc bầu cử lập hiến để soạn thảo một bản hiến pháp mới, Tổng thống Boluarte cho rằng đây không phải là thời điểm phù hợp và nhiệm vụ trước mắt phải tập trung tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế, chi phí nhiên liệu và lương thực tăng cao, cũng như làn sóng COVID-19 thứ năm mới hình thành. Nhưng cô ấy đang nắm quyền trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn hiến pháp ngày càng sâu sắc, Quốc hội bị chia rẽ gay gắt và cử tri mệt mỏi vì đòn roi chính trị,
Bên cạnh đó, bà khẳng định sẽ thúc đẩy một chương trình hòa nhập xã hội, chống tham nhũng. "Biện pháp đầu tiên của tôi là đối đầu với tham nhũng ở mọi khía cạnh. Tôi đã thấy kinh hoàng khi báo chí và các cơ quan tư pháp đưa tin về những hành vi cướp bóc đáng xấu hổ đối với tiền của tất cả người dân Peru. Căn bệnh ung thư này phải được loại bỏ tận gốc", bà khẳng định.