Nước mắm nhiễm asen: Thông tin mập mờ khiến dân hoang mang

18/10/2016 - 11:53
Trước thông tin 2/3 nước mắm khảo sát trên thị trường nước ta nhiễm asen (thạch tín), nhiều người dân rất lo lắng. Nhiều chuyên gia cho rằng, thông tin trên khá mập mờ, vì không đưa ra nước mắm nhiễm asen hữu cơ hay vô cơ.
Nước mắm nhiễm asen hữu cơ không độc hại 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, asen tồn tại ở 2 dạng. Một là asen vô cơ, tức là asen ở trạng thái nguyên tử hoặc phân tử chưa kết hợp với chất nào khác (tức asen nguyên chất) rất độc hại.  

Loại thứ 2 là asen đã tham gia quá trình phản ứng hóa học và tạo thành asen có hóa trị. Khi nó kết hợp với một chất nào đó tạo thành một hợp chất ở trạng thái hữu cơ. Loại asen hữu cơ này không độc.

Trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến asen vô cơ, tức chỉ những gì độc hại.
11.jpg
Theo nhiều chuyên gia, nước mắm nhiễm asen hữu cơ không độc hại
Cũng theo PGS Thịnh, nước mắm được chế biến bằng 3 nguyên liệu chính là nước, cá và muối. Thực tế, trong nước biển luôn có asen hữu cơ. Cá biển vì thế cũng bị nhiễm asen hữu cơ một cách tự nhiên, nhưng không độc hại. Cá chỉ bị nhiễm asen vô cơ khi môi trường biển ô nhiễm do các nhà máy thải hóa chất.

Người tiêu dùng hoang mang vì thông tin mập mờ của Hội bảo vệ người tiêu dùng

Việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã xác định 20 mẫu nước mắm không có asen vô cơ trong số mẫu có asen tổng hợp, thì có thể khẳng định các sản phẩm nước mắm này an toàn. Tuy nhiên, việc công bố của Hội này là chung chung, gây ra hoang mang dư luận, bởi người dân chỉ biết đó là asen mà không biết đó là asen vô cơ hay hữu cơ.

Ngoài ra, với việc tuyên bố 95,65% nước mắm có độ đạm cao có chứa nhiều asen, nhưng không nói rõ là asen hữu cơ hay vô cơ, thì có thể ảnh hưởng đến những nhà sản xuất nước mắm chứa nhiều đạm. Trong khi hiện nay, việc sản xuất nước mắm nhiều đạm đang được khuyến khích.

PGS Thịnh cho rằng, Hội cũng không đưa ra cảnh báo mức độ an toàn cho sản phẩm, mà để người tiêu dùng tự phân tích, tìm hiểu nên càng hoang mang.  
img_0355_181323634.jpg
Người dân lo lắng trước thông tin nước mắm nhiễm thạch tín
Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc công bố thông tin nước mắm nhiễm asen này không rõ ràng. Cụ thể, thông tin đưa ra không cho biết đây là kết quả của phòng thí nghiệm nào, có đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định hay không; thông tin đưa ra chẳng có ý kiến của chuyên gia ATTP nào cả, đồng thời chưa làm rõ asen hữu cơ có độc hai với sức khỏe hay không. “Đây là công bố khiến dư luận rất hoang mang. Nếu phân tích có trách nhiệm, phải đưa ra ra mức độ asen như vậy không nguy hiểm, người dân có thể ăn nước mắm, chứ không thể mập mờ như vậy”, PGS. Trần Hồng Côn nói.
 
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh kết quả khảo sát nước mắm trên và giải quyết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, PNVN đã thông tin, ngày 17/10, Vinastas công bố khảo sát các mẫu nước mắm bán trên thị trường về các chỉ tiêu ATTP. Kết quả cho thấy, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Đặc biệt, 67% số mẫu nước mắm có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể: Kết quả kiểm tra cho thấy, 101/150 mẫu có hàm lượng asen trên 1 mg/lít và thậm chí 5 mg/lít (hàm lượng asen cho phép là 1 mg/lít). Đặc biệt, theo kết qua khảo sát, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, hàm lượng asen càng tăng. Cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40 đều có hàm lượng asen vượt ngưỡng. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định, thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm