Ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Ký túc xá ĐH Luật Hà Nội

16/05/2017 - 18:37
11 sinh viên đang sống trong Ký túc xá Đại học Luật Hà Nội được xác định đã bị mắc sốt xuất huyết. Đây là bệnh chưa có thuốc chữa và chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện ngành y tế Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn dịch lan rộng.
Ngày 16/5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, vừa có thêm 11 sinh viên đang sinh sống và học tập tại KTX Đại học Luật Hà Nội (thuộc địa phận phường Láng Hạ, quận Đống Đa) được xác định bị sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, có 3 bệnh nhân mắc chủng D1; 8 bệnh nhân lâm sàng.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu cán bộ y tế nhà trường cũng với Ban giám hiệu tổ chức mời sinh viên họp để thông báo về dịch bệnh và hướng dẫn các em vệ sinh để diệt bọ gậy, phòng bệnh SXH.

Theo Sở Y tế Hà Nội, với 11 ca bị SXH tại KTX Đại học Luật Hà Nội mới được phát hiện đã nâng tổng số bệnh nhân mắc SXH tại Hà Nội lên 669 trường hợp (chưa có ca tử vong).

Số ca mắc này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016 (với 336). Trong đó, quận Đống Đa có số ca bị SXH cao nhất với 163 ca (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2016) và chiếm 24% tổng số bệnh nhân toàn thành phố.
sot-xuat-huyet.jpg
 Cán bộ Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội giám sát tìm ổ bọ gậy nguồn tại khu vực ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: H.Ngân

Trước tình dịnh bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Đến ngày 16/5, ổ dịch tại KTX Đại học Luật Hà Nội đã được khống chế, không phát hiện thêm ca bệnh mới.
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vacine phòng bệnh.
phun-muoi-adb51.jpg
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết


 Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách: diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài ta; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm