pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ở lại bản phát triển nghề truyền thống

Công việc này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp chúng tôi có việc làm tại chỗ, không phải rời quê, đi làm ăn xa
Tạo sinh kế tại chỗ
Tranh thủ những lúc không phải chăm sóc ruộng vườn hay làm việc nhà, bà Lâm Thị Lả (thôn Đội 3, xã Bản Liền) lại cùng chị em trong thôn vào rừng hái lá cọ về làm nón lá.
Bà Lả cho biết: "Chiếc nón lá cọ là một vật dụng quen thuộc trong đời sống của người dân tộc Tày. Nó không chỉ được dùng để che mưa, che nắng, mà còn là một nét đẹp văn hóa. Làm nón lá cọ tốn nhiều công sức, từ lên rừng chọn lá, lấy lá, phơi rồi khâu nón… tất cả đều làm bằng tay.
Để có một chiếc nón đẹp, người làm phải chọn những chiếc lá cọ đủ to, mỏng đều, sau đó mang về phơi vừa nắng, tạo độ dai cho lá. Sau đó, lá được cắt gọn và khâu vào vành uốn tròn, tạo hình nón lá. Người quen tay cũng phải mất 3-4 ngày mới xong một sản phẩm".
Có thời điểm, cả xã Bản Liền chỉ còn 4-5 hộ làm nón lá. Khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thành lập tổ đan lát và nhóm cùng sở thích tham gia làm nón lá cọ để phục vụ đời sống cũng như phát triển dịch vụ du lịch và giao cho Hội LHPN xã quản lý.
Từ các lớp dạy nghề do Hội LHPN xã tổ chức, hiện nay, tại xã có hơn 60 hội viên, phụ nữ dân tộc Tày biết đan nón thành thạo.
Chị Lâm Thị Nghị (sinh năm 1990) chia sẻ: "Trước đây, nhiều phụ nữ trẻ trong bản muốn đi đến các vùng khác tìm việc làm nhưng qua tuyên truyền, tập huấn của Hội LHPN xã, chúng tôi nhận ra rằng, nếu chăm chỉ làm nón thì không phải đi đâu xa mà vẫn có thể kiếm tiền được.
Một chiếc nón lá cọ chúng tôi bán với giá từ 50.000 đến 120.000 đồng/chiếc, tùy loại to hoặc nhỏ. Chúng tôi còn có các hoạt động trải nghiệm làm nón, với giá 300.000 đồng/buổi. Làm nón, vừa giữ được nghề truyền thống, vừa tăng thu nhập, vừa là cách thu hút khách du lịch đến với Bản Liền".
Không chỉ làm nón lá cọ, hiện nay, phụ nữ Tày ở Bản Liền còn phát triển nhiều nghề truyền thống như làm chè Shan tuyết cổ thụ, làm trà lam gác bếp, chế biến thảo dược, thêu may đồ thổ cẩm, chế biến món ăn từ đặc sản địa phương…

Bà Lâm Thị Lả và chị Lâm Thị Nghị (thôn Đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) giữ nghề nón lá truyền thống
Được tiếp thêm động lực giữ nghề truyền thống
Chị Vàng Thị Cân (thôn Đội 3, xã Bản Liền) hào hứng cho biết: "Với sự vận động, hỗ trợ của Hội LHPN xã Bản Liền, Hội Nông dân và chính quyền địa phương, chị em phụ nữ dân tộc Tày chúng tôi có thêm động lực và quyết tâm giữ nghề truyền.
Chúng tôi được tham gia các tổ làm nón lá cọ, tổ sản xuất chè sạch, tổ du lịch cộng đồng do phụ nữ điều hành. Cùng với đó, chúng tôi còn được tập huấn kỹ thuật, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm và được kết nối tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn đầu tư mở rộng sản xuất".
Giờ đây, những chiếc nón lá của phụ nữ Bản Liền đã có mặt tại các phiên chợ Bắc Hà, trung tâm du lịch Sa Pa, thậm chí là các gian hàng trưng bày ở Hà Nội, TPHCM.
"Ở nhà làm chè, làm nón, may thổ cẩm, mình vừa có việc làm, vừa chăm được con cái, lại giữ được nghề truyền thống. Ngoài hình thức bán hàng trực tiếp, chị em chúng ta còn làm quen với việc bán hàng qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo…
Những công việc này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp chúng tôi có việc làm tại chỗ, không phải rời quê, đi làm ăn xa".