pnvnonline@phunuvietnam.vn
Òa khóc vì người bạn "vô hình" của con trai lên 10 cố kìm nén cảm xúc và hiểu chuyện
Ảnh minh hoạ
Chị Thanh Tâm yêu quý!
Em là 1 người mẹ đơn thân và đang cố gắng tìm ra những giải pháp có thể đồng hành và dạy con được tốt nhất. Chắc chị hiểu, khi gia đình chỉ có mẹ và 2 con nhỏ, không có bố, thì cuộc sống sẽ có những khó khăn gì. Em phải mất 1 khoảng thời gian không hề ngắn để tự thích nghi với hoàn cảnh này cho chính mình. Việc chấp nhận không còn chồng bên cạnh, chấp nhận việc phải làm việc gấp đôi, gấp 3 để có tài chính nuôi con, chấp nhận việc phải nỗ lực gấp nhiều nhiều lần để đảm nhiệm vai trò cả bố lẫn mẹ.
Dù lý do chia tay là gì, việc kết thúc 1 quãng thời gian dài bên nhau cùng kết quả là 2 đứa con thật không hề dễ dàng. Nhưng khóc lóc, hận đời, kêu khổ... em đều đã từng làm và nhận ra, nó chẳng có ý nghĩa gì, bởi sau những lúc bỏ bê cuộc sống ấy, sáng tỉnh dậy, mình vẫn phải đối mặt với hiện tại.
Em thực sự rất thương 2 con, vì con còn quá nhỏ, em không muốn con sống cùng 1 người phụ nữ khác, nên bằng mọi cách, em chỉ chấp nhận li hôn khi được quyền nuôi 2 cháu. Bố mẹ và người thân đều rất thương em, nói em ngu ngốc... Nhưng là một người mẹ, từng ngày nhìn con lớn khôn, em không thể giao các con cho người phụ nữ khác và nghĩ đến tương lai có thể chúng sẽ không hạnh phúc.
Con trai lớn của em học lớp 4, con gái nhỏ thì mới 3 tuổi. Cả 2 đứa đều đang trong giai đoạn tò mò và hiểu dần về mọi chuyện. Em cảm giác anh lớn đã biết những gì đã xảy ra giữa bố và mẹ, nhưng lại luôn cố tỏ ra là không hiểu gì, hồn nhiền, lạc quan để mẹ yên tâm. Nhưng càng như vậy, em lại càng thấy thương con hơn.
Con gái 3 tuổi thì chưa biết gì thật, vẫn mong có bố, vẫn tìm bố và luôn hỏi về bố. Thằng anh càng ngăn cản, càng cấm, thì con bé lại càng hỏi nhiều hơn. Những câu hỏi tại sao, như thế nào... nhiều lúc khiến em phát cáu vì đau đầu. Nhưng quan trọng hơn, em vẫn đang "đấu tranh tư tưởng" trong việc nên nói như thế nào, hoặc giải thích ra sao cho các con hiểu về hiện thực "sẽ chỉ còn 3 mẹ con sống cùng nhau".
Em đang có 1 công việc fulltime về hành chính và 1 công việc part time để tăng thêm thu nhập chút xíu. Về cơ bản thì công việc rất nhiều, đôi khi bị ngập trong các deadline. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian để chăm sóc và dạy bảo 2 đứa là cực khó khăn. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh này, các con được nghỉ học hết, ông bà ngoại cũng có tuổi và hay ốm đau, nên không trông giúp được. Không còn cách nào khác, em phải nhờ 1 cô giúp việc.
Nhưng chính vì điều đó, em lại càng phải làm việc nhiều hơn để có thể chi trả thêm khoản đó. Hàng tháng, chồng cũ có gửi thêm 2 triệu để phụ chăm con, nhưng quả thật, số tiền ấy không thấm vào đâu so với nhu cầu hiện tại của 3 mẹ con.
Con trai em đang có những biểu hiện lạ, em cảm thấy vậy. Con không tập trung và học cũng giảm sút, nhưng vẫn cố gắng giúp mẹ trông em. Trước mặt em, con vẫn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng em lại phát hiện như con đang chơi cùng ai, nói chuyện cùng ai đó trong phòng, dù nơi đó chỉ có 1 mình con. Em rất lo lắng, chị Thanh Tâm ơi.
Một tối, khi con gái nhỏ đã ngủ say, em có ôm con trai vào lòng và hỏi con. Tâm sự cùng con một số khó khăn hiện tại để con mở lòng với mẹ hơn, lúc ấy con mới kể với mẹ về một người bạn mới đặc biệt. Con nói khi nào con buồn hay tủi thân, không biết nói chuyện cùng ai, con thường kể với bạn. Chơi cùng người bạn mới này, con thấy cuộc sống thoải mái hơn. Em òa khóc...
Có lẽ con trai đã quá mệt mỏi, nhưng lại không muốn tạo thêm áp lực và làm mẹ thêm buồn. Em nên làm gì với với con đây? Em luôn cố gắng làm mọi điều tốt cho con, nhưng hiện thực lại cho thấy những việc làm ấy không hề hiệu quả...
Em gái xin giấu tên (Hải Phòng)
Chào em!
Làm mẹ đơn thân quả thật chưa khi nào là dễ dàng, em rất dũng cảm cô gái ạ. Con trai của em là 1 chàng trai hiểu chuyện và biết thương mẹ, thương em. Vì còn quá nhỏ tuổi mà chất chứa nhiều nỗi lòng, nên con đã tự nghĩ ra một người bạn để chia sẻ những điều đó. Nhưng dù người bạn ấy không tồn tại, bạn vẫn giúp con cân bằng mọi rắc rối trong cuộc sống của con. Việc của mẹ bây giờ là cần giúp con kết bạn để có những người bạn thật sự, mang đến cho con niềm vui. Mẹ có thể giúp con "xử lý" các tâm sự của bản thân bằng cách mở lòng và tâm sự cùng con nhiều hơn. Chỉ có chia sẻ và tâm sự giải tỏa hết những gì giấu ở trong, mới giúp cho con thoải mái và trở về cuộc sống hồn nhiên của một đứa trẻ.
Thanh Tâm nghĩ, con trai đã lớn, em có thể kể cho con về những gì đang diễn ra, để con không cần che giấu cảm xúc trước mẹ nữa. Cứ như vậy, con sẽ dần chia tay người bạn đặc biệt của mình một cách tự nhiên.
Thanh Tâm mong rằng, 3 mẹ con sẽ cùng nhau vượt qua được những khó khăn phía trước.