pnvnonline@phunuvietnam.vn
Pà Cò, Hang Kia (Hòa Bình): Biến "điểm nóng" ma túy thành "điểm sáng" du lịch

Người dân địa phương tham gia phát triển du lịch cộng đồng
Từ "điểm nóng" ma túy…
Pà Cò, Hang Kia là 2 xã thuộc huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Đây là nơi cư ngụ của đại đa số đồng bào dân tộc Mông. Nằm cách Pà Cò, Hang Kia không xa là xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Chừng 10 năm trở về trước, Pà Cò, Hang Kia và Lóng Luông được xem như 3 điểm nóng nhất về ma túy của khu vực Tây Bắc. Thời điểm những năm 2010, Pà Cò, Hang Kia trở thành địa bàn cư ngụ, hoạt động của nhiều tội phạm ma túy khét tiếng.

Đời sống của người dân ở Pà Cò, Hang Kia có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Sau nhiều năm đấu tranh, tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, đến nay tình hình tội phạm ma túy tại Pà Cò, Hang Kia đã "hạ nhiệt" rõ rệt. Người dân chủ động thông tin với chính quyền để đưa người nghiện ma túy đi cai bắt buộc. Các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm bị lực lượng trinh sát vây bắt thành công. Sau 10 năm miệt mài, kiên trì đấu tranh với tội phạm, cuối tháng 7/2022, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an ký quyết định về việc đưa Hang Kia, Pà Cò ra khỏi danh sách xã phức tạp về an ninh, trật tự.
Ông Khạ A Hờ (69 tuổi, người có uy tín ở xóm Thung Ằng, xã Hang Kia) không dấu được sự phấn khởi khi nhắc đến những đổi thay nơi "mảnh đất dữ". Ông bảo người Mông nơi đây bây giờ không chỉ biết trồng ngô, trồng lúa trên nương, trên rẫy nữa mà còn biết cả làm du lịch, biết lấy tiền của người dân miền xuôi và người nước ngoài để phục vụ cuộc sống của bản thân.
…đến "điểm sáng" du lịch cộng đồng
Với vị trí nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, Pà Cò, Hang Kia có khí hậu trong lành, mát mẻ tương đồng với Mộc Châu (Sơn La). Nơi đây, quanh năm có mây, sương mù bao phủ; hình thái thời tiết của 4 mùa trong một ngày: buổi sáng mát dịu như mùa Xuân, đến trưa nắng nóng như mùa Hạ, qua chiều se se lạnh như mùa Thu và thời tiết như những ngày mùa Đông khi màn đêm buông xuống.
Người Mông nơi đây có nhiều nghề truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày như dệt thủ công, thêu thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn, nghề làm giấy dó… Cùng với đó là nét văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo như rượu ngô, thắng cố, cải mèo, gà bản, lợn bản, xôi nếp nương, măng rừng…

2 xã Hang Kia, Pà Cò hiện đã có hơn 10 gia đình làm mô hình homestay phục vụ khách du lịch.
Tận dụng những ưu thế về địa hình, văn hóa, những năm gần đây, người dân ở Pà Cò và Hang Kia đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào người Mông ở Pà Cò, Hang Kia đang có những biến chuyển rõ rệt. Những nương, những đồi thuốc phiện ngày xưa, nay đã được phủ xanh bằng những vườn cây nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của bà con nay đã được ấm no, trẻ em được đi học.
Chị Sùng Y Múa được biết đến là một trong những người đầu tiên phát triển hình thái du lịch cộng đồng tại Pà Cò, Hang Kia. Từng có thời gian làm việc tại Trạm Y tế xã Hang Kia nhưng nhận thấy mảnh đất quê hương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nên từ năm 2011 - 2013, gia đình chị Múa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay cho khách lưu trú. Một thời gian sau, gia đình chị đã làm thêm nhà để đón khách, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Mông, lấy văn hóa làm động lực để thu hút khách du lịch, chị Sùng Y Múa đã xây dựng khu trưng bày không gian văn hóa Mông. Chị không ngừng tìm tòi, sưu tập những đồ cũ, đồ cổ của đồng bào Mông do ông cha để lại ở các xóm, bản trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò và lân cận để trưng bày tại không gian văn hóa đồng bào Mông trên diện tích hơn 2.000m2 tại xã Hang Kia.

Kinh tế phát triển khiến đời sống của người dân ở Pà Cò, Hang Kia cũng được nâng cao.
Sau thời gian dài gây dựng, phát triển, đến nay, Homestay Y Múa đã góp phần thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân địa phương; đồng thời góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa cộng đồng người Mông.
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Mai Châu, đến nay, 2 xã Hang Kia, Pà Cò hiện đã có hơn 10 gia đình làm mô hình homestay phục vụ khách du lịch, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng trăm lao động địa phương. Các homestay được đầu tư, song vẫn chú trọng gìn giữ bản sắc riêng có của người Mông.
Đây chính là những tiềm năng cần được khai thác để đóng góp cho sự phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện theo định hướng phát triển bền vững.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội 2 xã Pà Cò – Hang Kia, những năm huyện Mai Châu đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc miền núi. Ngoài ra, huyện còn chủ động cụ thể hóa và ban hành nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu…