Phấn đấu mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất lắp mới ít nhất 1 phòng vắt sữa

Vũ Vũ
18/05/2021 - 08:03
Phấn đấu mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất lắp mới ít nhất 1 phòng vắt sữa

Phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Nguồn: Tổng LĐLĐ Việt Nam

Duy trì sữa mẹ cho bé là một thử thách không hề nhỏ của các bà mẹ bỉm sữa, đặc biệt là với những nữ công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Để góp phần ổn định tình hình lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mô hình phòng vắt sữa tại nơi làm việc cần được nhân rộng.

Từng ngại đẻ vì không thể nuôi con bằng sữa mẹ

Chị Trịnh Thị Mùi (SN 1985), công nhân Công ty Canon Việt Nam kể, chị sinh đứa con đầu lòng năm 2008. Khi ấy, chế độ thai sản chỉ được nghỉ 4 tháng. "Con tròn 4 tháng thì tôi đi làm một mạch từ sáng đến tối mới về. Con ở nhà với bà ngoại, đành phải ăn sữa ngoài. Vì không thể cho con bú ban ngày nên tôi nhanh chóng mất sữa. Con 6 tháng thì tôi mất hẳn sữa và buộc phải nuôi bộ hoàn toàn. Vì thế mà con thường xuyên ốm đau, cực lắm!", chị Mùi chia sẻ.

Vì nuôi con vất vả, triền miên ốm đau nên chị Mùi "sợ" không dám đẻ nữa. Mãi đến năm 2019, khi đứa con đầu lòng được 11 tuổi, chị mới quyết sinh thêm bé thứ hai. "Lần này, công ty tôi đã có phòng vắt trữ sữa nên tôi duy trì được nguồn sữa mẹ cho con đến lúc 18 tháng. Con tôi vì thế cũng khỏe mạnh và ít ốm đau", chị Mùi cho biết.

Được biết, hiện rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) đã trang bị phòng vắt trữ sữa để hỗ trợ các nữ công nhân duy trì nguồn sữa mẹ nuôi con nhỏ.

Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam hiện có 8 phòng vắt trữ sữa. Cụ thể, Nhà máy Thăng Long 3 phòng, Nhà máy Quế Võ 3 phòng, Nhà máy Tiên Sơn 2 phòng. Mỗi phòng vắt sữa có diện tích khoảng 10m2. Lãnh đạo công ty cho biết, chi phí lắp đặt 1 phòng vắt sữa và khoảng 70 triệu đồng. Phòng có đầy đủ quạt, điều hòa, tủ lạnh và các thiết bị cần thiết cho việc lưu trữ, bảo quản sữa mẹ… Không những thế, phòng vắt, trữ sữa còn được vệ sinh trước và ngay sau giờ nghỉ giải lao của nữ công nhân. Các phòng vắt, trữ sữa được xây dựng ở vị trí thích hợp, gần khu vực nữ lao động nuôi con nhỏ làm việc tập trung.

Tương tự, tại Công ty TNHH công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam, chuyên lắp ráp máy in, máy photo đa chức năng hiện có 2 phòng vắt, trữ sữa. Ước tính, lượng người vắt trữ sữa bình quân ở công ty này vào khoảng 50 người/ngày. Công ty này cho biết, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.

Phấn đấu mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất lắp mới ít nhất 1 phòng vắt sữa - Ảnh 1.

Phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Nguồn: Tổng LĐLĐ Việt Nam

Hơn 800 phòng vắt sữa đã được thiết lập

Từ năm 2012, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai những phòng vắt trữ sữa đầu tiên ở các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa và một số ngân hàng trong cả nước. Đến ngày 31/5/2020, cả nước có 826 phòng vắt, trữ sữa được thiết lập ở 500 cơ quan, doanh nghiệp tại 40 tỉnh, thành phố mang lại lợi ích cho gần 1 triệu lao động nữ.

Được biết, thực hiện Chương trình phối hợp số 905/CTPH-TLĐLĐ-HLHPN ngày 9/6/2017 và Kế hoạch phối hợp số 784/KHPH-TLĐ-HLHPN ngày 16/3/2020, trong năm 2020, Hội LHPN Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã phối hợp thực hiện các hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động. Trong đó, hai cơ quan đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo, bảo vệ và tập hợp, thu hút nữ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc hỗ trợ lao động nữ được nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc là một trong những việc làm thiết thực, được cả xã hội quan tâm. Theo kế hoạch, trong năm 2021 này, hai cơ quan sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhiều lao động nữ lắp đặt phòng vắt trữ sữa, phấn đấu mỗi công đoàn KCN-KCX lắp đặt mới ít nhất 1 phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết, với mong muốn đem lại lợi ích tốt nhất cho các mẹ và bé, đặc biệt là với lao động nữ đang nuôi con nhỏ trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, công sở, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các tổ chức xã hội vì Dinh dưỡng Việt Nam xây dựng cuốn cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn nhằm hỗ trợ lao động nữ duy trì thực hành nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc thiết lập phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Được biết, cuốn cẩm nang được xây dựng thông qua việc khảo sát nhu cầu của gần 1.000 bà mẹ, thông tin của 100 người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn tại 20 công ty trên cả nước về tình hình tổ chức và hoạt động của các phòng vắt, trữ sữa trong doanh nghiệp hiện nay.

Theo nghiên cứu của Dự án Alive & Thrive (dự án về dinh dưỡng tại Việt Nam), tỷ lệ giữ chân lao động ở doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt là 94%, gần gấp đôi tỷ lệ của tất cả các doanh nghiệp nói chung (59%). Lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt cảm thấy hài lòng, gắn kết với doanh nghiệp cao hơn gấp 3 lần, từ đó năng suất lao động cao hơn. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ còn góp phần giảm thời gian nghỉ trông con ốm của lao động nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm