Phấn đấu số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 450 nghìn vào cuối năm 2019

28/06/2019 - 10:45
Nhiều năm qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn gặp khó, trong khi lực lượng lao động khu vực phi chính thức, lao động di cư vẫn rất đông đảo. Theo mục tiêu phấn đấu, đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 450.000 người.

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành kế hoạch số 2276/KH-BLĐTBXH về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2019. Mục tiêu kế hoạch tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm sau so với năm trước ít nhất bằng 50%.

Phấn đấu đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 450.000 người (tăng hơn 200.000 người so với năm 2018).

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhiệm vụ cụ thể như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về BHXH với cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH trong việc chia sẻ dữ liệu về quản lý lao động, thống kê, rà soát số lao động làm việc tại các DN, các hộ kinh doanh cá thể, NLĐ trong các làng nghề, lao động tự do… những đối tượng hiện đang có nguồn thu nhập ổn định mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD, lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam vào khoảng 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động cả nước (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp). Có tới 97,9% số lao động không có BHXH. Thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực phi chính thức khoảng 4,4 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt là lực lượng lao động giúp việc gia đình phần lớn là phụ nữ có mức thu nhập khá cao, có nhiều điều kiện về tài chính để tham gia BHXH tự nguyện. Theo khảo sát, Thực tế, mức lương trung bình của người giúp việc: làm nội trợ: từ 4.000.000 – 5.500.000đ/tháng; trông trẻ: từ 4.000.000 – 6.000.000đ/tháng; chăm sóc người cao tuổi, người bệnh nặng, người khuyết tật: từ 7.000.000 – 9.000.000đ/tháng.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến ngày 31/5/2019, toàn quốc có trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện. Đây là con số khá khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng.

Nhóm lao động phi chính thức có đặc thù riêng, theo bà Hạnh, họ làm việc theo chế độ linh hoạt rất khó quản lý. Họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không ổn định, không cố định về không gian, thời gian cụ thể; Hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT của nhiều người lao động chưa đầy đủ, họ mới chỉ quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập hàng tháng… Những yếu tố về nhận thức cũng khiến người lao động phi chính thức chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân khi về già.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo kế hoạch số 2276/KH-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, việc đẩy mạnh số người tham gia BHXH tự nguyện cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, đa dạng hóa các hình thức, mở rộng về phạm vi đối tượng và phù hợp với tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền. Trước mắt tập trung vào các đối tượng có điều kiện và khả năng tham gia, các đối tượng thuộc diện chính sách ưu tiên hỗ trợ tiền đóng từ NSNN.

ld-giup-viec.jpg
Lao động khu vực phi chính thức chiếm hàng chục triệu người nhưng hơn 90% là không có BHXH
 

Tổ chức đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ một phần tiền đóng của nhà nước từ ngày 1/1/2018 đối với người tham gia BHXH tự nguyện để từ đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời tiếp tục khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời xây dựng và triển khai thí điểm các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ nhằm đảm bảo thuận lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện; mở rộng và nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện…

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi, đó là: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); Được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với Quỹ BHXH.

Ngoài các quyền lợi trên, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng các quyền lợi như: Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH; Người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm