Phát hiện trên 12.000 hồ sơ thương binh có sai sót

14/07/2017 - 10:01
Từ năm 2012 đến 2016, cơ quan chức năng thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh của 28 tỉnh và 5 Quân khu, phát hiện trên 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đã có gần 1.900 hồ sơ không đảm bảo pháp lý.
nguoi-co-cong.jpg
Cục Người có công kiểm tra công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ người có công

 Sáng 14/7, Cục Người có công, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tạp chí lao động xã hội tổ chức hội thảo báo chí Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ lý luận và thực tiễn. Ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Chỉ tính từ năm 2012 đến tháng 6/2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại 28 tỉnh, thành phố và phối hợp thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 5 Quân khu.

Trong số 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương, phát hiện trên 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có gần 1.900 hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi. Đồng thời kiến nghị các cơ quan có liên quan đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng...

Ông Đỗ Đăng Khoa khẳng định: Đến nay, hơn 9 triệu lượt người đã được thực hiện các chế độ ưu đãi người có công. Trong đó, trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí hàng năm gần 30.000 tỷ đồng, góp phần to lớn vào việc cải thiện đáng kể đời sống của người có công.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, vẫn còn một số trường hợp người có công thực sự, nhưng chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi do không còn căn cứ để xác lập hồ sơ. Trong khi đó, những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt.

ho-so-ton-dong.jpg
Thực hiện việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng

 Ông Khoa lý giải: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những hạn chế trong khâu quản lý, tổ chức thực hiện như: Việc phân cấp trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, thủ tục, quản lý hồ sơ còn chưa chặt chẽ; chính quyền địa phương cấp cơ sở chưa nhận thức và quán triệt sâu sắc các nội dung của Pháp lệnh ưu đãi người có công; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra xác minh, chứng nhận không đúng trường hợp bị thương, điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ chính sách …

Trước đó, tại họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) chiều 10/7, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay còn vướng mắc hơn 5.900 hồ sơ người có công còn đang tồn đọng. “Trong năm 2017 này sẽ phải giải quyết cơ bản những hồ sơ tồn đọng này”.

Tính đến nay cả nước đã xác nhận trên 1,1 triệu liệt sĩ;
Trên 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng;
Gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động;
Gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh;
Gần 185.000 bệnh binh; gần 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học;
Gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
Gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng;
trên 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm