Phát sinh vướng mắc khi rà soát đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

PVH
23/04/2020 - 17:00
Phát sinh vướng mắc khi rà soát đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Đến thời điểm này, nhiều địa phương đang rà soát, lập danh sách 7 đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Hiện tại tiền chưa thể đến tay các nhóm thụ hưởng, nhưng quá trình rà soát, lập danh sách gặp một số vướng mắc, băn khoăn…

Nhiều địa bàn rà soát xong người được hưởng hỗ trợ

Bà Trần Thị Minh Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: Thực hiện nhiệm vụ phối hợp rà soát các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, Hội LHPN phường Trung Hòa đã triển khai việc thực hiện xuống từng chi tổ phụ nữ trên địa bàn. Tính đến nay đã cơ bản rà soát và lập được danh sách lên tới 1.900 đối tượng thụ hưởng. Trong đó, chiếm tới 50% là lao động nữ tập trung ở các ngành nghề như hộ kinh doanh nhỏ, bán hàng rong, lao động mất việc làm…

Theo bà Minh Trang, việc rà soát được thực hiện tương đối thuận lợi bởi cấp chính quyền và hội đoàn thể phối hợp đã có sự chuẩn bị kỹ càng; cùng với đó liệt kê khá chi tiết những công việc, ngành nghề lao động được thụ hưởng nên việc lập danh sách không gặp nhiều vướng mắc. Đồng thời, cũng phải kể tới sự thuận lợi của hệ thống Hội có mạng lưới cán bộ Chi tổ ở từng khu dân cư, bám sát địa bàn, nắm chắc được điều kiện hoàn cảnh của các hộ gia đình để rà soát, lập danh sách chính xác đối tượng thụ hưởng.

Với những lao động tự do như bán hàng rong, bán vé số, lái xe 2 bánh (còn gọi là xe ôm)… sẽ là những người chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19. Họ có thu nhập bấp bênh, thường không có chỗ ở cố định, khiến cho việc rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng khó khăn hơn. Bà Minh Trang cho biết, với những người lao động tự do sẽ có các tiêu chí quan trọng để đưa họ vào danh sách, ví dụ như người lao động tự do bắt buộc phải có đăng ký tạm vắng tạm trú tại địa bàn; thứ 2 là thời gian lưu trú phải tương đối dài… Qua đó, đảm bảo độ chính xác đối tượng, tránh trường hợp một người vào danh sách ở nhiều nơi.

Ông Trần Đại San, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), cho biết việc rà soát, lên danh sách những người được thụ hưởng vừa được làm xong với khoảng gần 100 người và danh sách đã chuyển về UBND phường. Những lao động khó khăn, ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 tại tổ dân phố 1 chủ yếu là hộ kinh doanh hàng ăn uống nhỏ, bán vé số rong, buôn bán nhỏ, xe ôm…

Các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) thuộc đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng gồm:

-Người bán hàng rong;

-Lao động thu gom rác;

-Người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa;

-Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô;

-Người bán lẻ vé số lưu động;

-Người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Qua quá trình rà soát, trên thực tế có phát sinh những thắc mắc từ phía người dân. Nhiều người băn khoăn việc xác định thế nào là người bán hàng rong? Người gánh thúng đi bán hay ngồi bán ở vỉa hè cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ? Hoặc quy định hỗ trợ người chạy xe ôm 2 bánh, thì người chạy xe 3 gác cũng bị ảnh hưởng có được hỗ trợ? Bên cạnh đó, những lao động tự do, người làm thuê cũng phát sinh các vấn đề như ở nhà thuê một nơi nhưng sổ tạm trú, thường trú lại ở nơi khác hoặc ngược lại… khiến cho việc rà soát mất nhiều thời gian và công sức hơn và chính quyền cơ sở cũng chưa thể giải đáp hết được thắc mắc của người dân bởi chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể từ Bộ LĐ-TB&XH.

Phát sinh những vướng mắc khi rà soát đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Lao động bán hàng rong thuộc đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng

Hộ nghèo, người có công, bảo trợ xã hội được hỗ trợ sớm hơn

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho biết: Đến nay, qua rà soát bước đầu các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô đã xác định được, hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Những đối tượng này do ngành LĐ-TB&XH kê khai và thực hiện chi trả tiền hỗ trợ. Điều thuận lợi là những đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đều có số lượng cụ thể nên sẽ chi trả tiền hỗ trợ sớm, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, có hơn 50.000 hộ nghèo, cận nghèo; các đối tượng lao động tự do sẽ do UBND cấp xã, phường có trách nhiệm kê khai và thực hiện chi trả. Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết thêm, lao động tự do có đặc thù là thay đổi nơi cư trú thường xuyên nên việc rà soát khá phức tạp, vì vậy có thể nhận được tiền hỗ trợ muộn hơn. Việc thực hiện hỗ trợ đối tượng lao động tự do từng bước cụ thể như thế nào còn đợi hướng dẫn từ Chính phủ.

Để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo trong rà soát, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã hướng dẫn 30 quận huyện rà soát, thống kê các đối tượng. Cùng với đó, liên ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ tiến hành khoanh vùng đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể để lên danh sách, tránh sự trùng lặp. Ông Dân khẳng định, ngay khi có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐ-TB&XH, thì sẽ tiến hành ngay việc chi trả đến các đối tượng được hỗ trợ.

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ phê duyệt Quyết định về quy trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong 7 đối tượng được hỗ trợ, riêng với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh trong thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 30/6/2020, đối tượng này cần phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể như: Doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; Tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 theo thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Đặc biệt là "Không vi phạm quy định về cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16".

Để nhận được hỗ trợ trực tiếp, những đối tượng này cần phải thực hiện các thủ tục, trình tự cụ thể như: Hằng tháng, hộ kinh doanh gửi hồ sơ đề nghị về UBND cấp xã nơi đăng ký địa điểm kinh doanh. UBND cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai trong thời gian 5 ngày làm việc tại trụ sở; tổng hợp, báo cáo gửi cơ quan Tài chính cấp huyện. Sau khi được thẩm định và phê duyệt, thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định hỗ trợ, UBND cấp xã chi trả trực tiếp cho hộ kinh doanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm