Phát triển kinh tế hộ gia đình là giải pháp mang tính bền vững

PV (ghi)
30/07/2021 - 10:26
Phát triển kinh tế hộ gia đình là giải pháp mang tính bền vững

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre

"Số lượng chị em phụ nữ đã có gia đình di cư ra thành phố tìm việc hiện nay rất nhiều. Họ chủ yếu tìm đến các khu công nghiệp hoặc lao động tự do. Nhiều người vì thiếu kinh nghiệm sống dẫn đến sa vào tệ nạn xã hội, thậm chí bị mua bán người", bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre: "Ở góc độ gia đình, việc đi làm ăn xa, thiếu sự gắn kết thường xuyên, thiếu kinh nghiệm tổ chức cuộc sống dẫn đến tình cảm giữa các thành viên mờ nhạt, kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Thực tế đã có không ít vụ án giết người vì ghen tuông do nghi ngờ trong quá trình vợ đi làm ăn xa. Hay những trường hợp vợ chí thú làm ăn để kiếm tiền gởi về quê nhưng chồng, con sống ỉ lại và sa vào cờ bạc, rượu chè. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp đối với tình trạng phụ nữ di cư, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình mang tính bền vững".

Mong được tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế để không phải ly hương

Chị Nguyễn Hương Trà (34 tuổi, quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, chia sẻ: "Tôi ra Hà Nội làm nghề cắt tóc, gội đầu từ năm 2014, tiền thuê mặt bằng gần 10 triệu đồng/tháng. Gần 2 năm qua, từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, công việc của tôi nhiều lần bị gián đoạn. Từ đầu năm 2021, cửa hàng liên tục phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Tôi không có thu nhập, thậm chí phải vay mượn tiền bạn bè để trang trải cuộc sống. Bố mẹ tôi ở quê đều đã già, không có lương hưu. Ở thành phố chi tiêu đắt đỏ, tôi cũng muốn về quê để đầu tư chăn nuôi hoặc mở một tiệm dạy cắt tóc. Tôi mong được tiếp cận vốn vay để có thể thực hiện được dự định của mình và cũng là để được ở gần, tiện chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già".

Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm