Phó Chủ tịch Quốc hội: Nữ ứng viên cần có sự dung dị, hòa hợp, gần gũi với người dân

PV
19/04/2021 - 12:40
Phó Chủ tịch Quốc hội: Nữ ứng viên cần có sự dung dị, hòa hợp, gần gũi với người dân

Cử tri tìm hiểu về các ứng viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh minh họa: KT

Tại hội thảo diễn ra sáng nay (19/4), ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cho rằng, các nữ ứng viên đại biểu dân cử cần phải biết thế mạnh của mình để phát huy chương trình hành động sao cho ngắn gọn, thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.

Sáng nay (19/4), Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Nhóm nữ ĐBQH, Ban Công tác đại biểu tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc "Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới", tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, khẳng định: Qua các kỳ họp, nữ ĐBQH đã có nhiều đóng góp tích cực, để lại dấu ấn tốt đẹp với cử tri và nhân dân cả nước. Qua các buổi thảo luận ở nghị trường, các nữ ĐBQH cho thấy bản lĩnh, năng lực và trình độ của mình. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò nòng cốt  của các nữ đại biểu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật.

Đánh giá cao cuộc hội thảo này, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, các diễn giả, các ĐBQH chia sẻ những kinh nghiệm quý báu nhằm hỗ trợ nữ ứng cử viên được tăng cường thực hành, thảo luận, trình bày vấn đề…

Theo tổng hợp của Hội đồng bầu cử quốc gia, trong số 205 ứng viên ở Trung ương thì có 46 người là nữ, chiếm tỉ lệ 22,43%.

Ở địa phương có 435/888 là nữ, chiếm 48,65%.

Với HĐND cấp tỉnh có 41,76% ứng viên là nữ;

Cấp huyện là 42,36% và cấp xã là 39,05%.

Là người đã tham gia 2 khóa Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương, ông Trần Thanh Mẫn cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân, đặc biệt khi tiếp xúc cử tri là quá trình rất quan trọng và đầy áp lực. 

Cử tri ngày càng yêu cầu và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào các đại biểu. "Tôi mong các đồng chí không quá bị áp lực, phải biết thế mạnh của mình để phát huy chương trình hành động sao cho ngắn gọn, thuyết phục. Cách trình bày cũng cần thể hiện được sự tự tin, chân thành, hấp dẫn; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vì lợi ích của nhân dân, để cử tri có nhiều thiện cảm, ấn tượng, tin tưởng bỏ phiếu cho mình", ông Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Nữ ứng viên cần có sự dung dị, hòa hợp, gần gũi với người dân - Ảnh 2.

Các đại biểu, diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ ứng cử viên ĐBQH tại hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các nữ ĐBQH cần xây dựng hình ảnh, phong thái khi đến với người dân, cử tri, để làm sao cử tri thấy được người đại biểu "dung dị, hòa hợp, gần gũi với người dân". Ông lấy ví dụ, khi xuống địa phương, gặp bữa thì "có gì ăn nấy". Cách ăn mặc cũng cũng phải phù hợp với từng địa bàn cụ thể.

Với chương trình hành động của mình, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý các nữ ứng viên nên chú ý, tránh đưa ra lời hứa vượt quá tầm của mình. "Cái gì thực tế, thiết thực có tính khả thi thì mới hứa với cử tri", ông Mẫn nói.

Tại hội nghị, các diễn giả cũng chia sẻ, cung cấp các thông tin quan trọng cho các nữ ứng cử viên, đặc biệt là về vai trò của Quốc hội, vai trò của người đại biểu dân cử. Cùng với đó là chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc cử tri, xây dựng chương trình hành động, vận động cử tri đi bầu cử…

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, trong thực tế với quá trình hoạt động tâm huyết, tích cực của mình các nữ ĐBQH đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và sự tận tụy trong công việc và đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Đặc biệt trong quá trình tham gia hoạt động dân cử các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các vấn đề về bình đẳng giới, các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân…

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nữ ĐBQH đã có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án Luật. Đã có khoảng 27% lượt ý kiến phát biểu của nữ ĐBQH góp ý vào các dự án Luật trong các phiên thảo luận tại Hội trường, cao hơn tỷ lệ nữ ĐBQH trong Quốc hội. Cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ nữ ĐBQH phát biểu về các dự án Luật thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội là khoảng 45%, ý kiến tham gia của nữ ĐBQH đối với dự án Luật Du lịch là 57,14% và dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là 53,57%. Trong khi đó, tỷ lệ nữ ĐBQH cho ý kiến đối với các dự án Luật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính đạt khoảng 25%, cao hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm