pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ huynh nên quan tâm dinh dưỡng cho con ra sao trong kỳ học hè đặc biệt do COVID 19?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - đã dành cho Báo PNVN cuộc trao đổi về vấn đề này.
Học kỳ 2 năm nay thật đặc biệt khi khi học sinh đi học vào mùa hè. Ở TPHCM, đây là thời điểm chuyển từ mùa nắng sang mưa, tuy nhiên độ nóng vẫn còn rất gay gắt? Vậy phụ huynh nên lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở bậc tiểu học trở xuống như thế nào để tăng cường sức đề kháng trong thời điểm này thưa bác sĩ ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Các em tiểu học đang học bán trú nên các em sẽ có 1 bữa ăn trưa ở nhà trường. Phụ huynh phải lo cho các em bữa ăn sáng và chiều. Vậy nên, thời điểm này phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến dinh dưỡng cho con để tăng cường sức đề kháng và phòng chống các bệnh trong mùa mưa.
Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều phụ huynh hay có thói quen chở con đi học và cho ăn sáng trên xe máy. Bữa ăn sáng của trẻ rất quan trọng nên phụ huynh nên chuẩn bị bữa ăn cho con ở nhà. Vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa gắn kết gia đình lại lịch sự văn minh.
Phụ huynh muốn bé ăn nhanh vào buổi sáng thì phải theo sở thích của trẻ nhưng phải đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn: Tinh bột, đạm, rau, dầu ăn. Nếu không chuẩn bị rau kịp thì có thể thay thế bằng trái cây để có vitamin. Một bữa ăn có thể là tô phở nấu ở nhà, một đĩa cơm tấm và 1 ly sữa. Thậm chí là mỳ ăn liền nhưng cho thêm quả trứng và cà chua như vậy vẫn đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu.
Đặc biệt là mùa mưa, ẩm ướt rất dễ nhiễm khuẩn nên bữa ăn càng phải vệ sinh. Phụ huynh nên cho con ăn sáng ở nhà để đảm bảo vệ sinh, các cháu tiêu hóa tốt.
Mùa mưa trẻ cũng rất cần nước nên phụ huynh lưu ý để trong balo của các cháu 1 bình nước. Nước đun sôi để nguội. Không nên để nước trái cây vì nước này phải để nhiệt độ lạnh thích hợp, chứ để nhiệt độ thường dễ lên men và làm trẻ tiêu chảy. Nếu muốn bổ sung vitamin thì nên thực hiện ở nhà.
Với những gia đình không có thời gian để nấu bữa sáng cho con thì sao thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Nếu như gia đình không có điều kiện để nấu thì tìm chỗ mua an toàn vệ sinh thực phẩm và phải quan tâm đủ 4 nhóm thức ăn. Bởi vì nhóm tinh bột (cơm, phở, mì, nui...) để cung cấp năng lượng, chống mệt mỏi. Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua…) giúp tăng cường hoạt động cơ bắp và nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Chất rau thì cung cấp vitamin. Đặc biệt, trẻ con rất cần dầu ăn, trừ trường hợp béo phì.
Phụ huynh lưu ý, khi đi mua thì phải mang theo hộp đựng không nên dùng hộp xốp hay bịch nilon. Bởi vì các bao bì này thực chất là không được vô trùng, sau khi sản xuất từ xưởng thì các cửa hàng mang ra dùng trực tiếp nên không đảm bảo vệ sinh.
Ô nhiễm thực phẩm trong mùa mưa không chỉ do các thức ăn để lâu mà còn nằm ở các bịch nilon hoặc nơi bán không đảm bảo.
Bác sĩ có thể cho phụ huynh biết về những bệnh liên quan đến dinh dưỡng mà trẻ dễ gặp phải trong thời điểm chuyển mùa này ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Thời điểm chuyển sang mùa mưa chủ yếu vẫn là các bệnh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thức ăn. Vậy nên phụ huynh phải lựa chọn quán ăn sạch sẽ, người bán phải đeo bao tay và khẩu trang. Nếu nấu ở nhà cũng phải vệ sinh kỹ càng.
Phụ huynh cần căn dặn các bé phải rửa tay trước và sau khi ăn. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách. Người lớn phải làm gương cho trẻ nhỏ noi theo.
Mọi năm mùa này là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết lây lan mạnh nhưng năm nay do giãn cách xã hội và thực hiện đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp được đẩy mạnh nên các loại bệnh này có giảm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chủ quan, khi mùa mưa bắt đầu thì các bệnh này cũng bắt đầu xuất hiện lại.
Xin cảm ơn bác sĩ!