Phụ nữ cần liên kết, tạo chuỗi giá trị cao cho sản phẩm

11/05/2019 - 15:28
Sáng 11/5, tại Trung tâm Vì sự phát triển của Phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), TW Hội LHPN VN tổ chức Hội thảo giải pháp tăng cường kết nối chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng và toàn quốc năm 2019. Tham dự có bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Đây là lần đâu tiên Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày phụ nữ khởi nghiệp ở cấp vùng. Ở mỗi vùng sẽ có mỗi nội dung mang tính đặc trưng vùng miền. Ở miền Nam là tìm ra sự liên kết, tạo chuỗi giá trị nâng sản phẩm của chị em phụ nữ làm ra. Hội thảo hôm nay đặt ra mục tiêu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của người phụ nữ thời đại ngày nay.
c3.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
 
 
“Ở khu vực phía Nam có 74 hợp tác xã do phụ nữ làm giám đốc. Hiện nay yêu cầu liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm đòi hỏi rất cao. Hội thảo mang đến cho cán bộ Hội, hội viên phụ nữ một bước tiếp cận mới trong công tác tổ chức hội của mình, đó là vai trò kết nối của hội trong vấn đề xây dựng giá trị chuỗi sản phẩm. Thông qua đây, các chị em hiểu về vấn đề xây dựng chuỗi giá trị, các bước xây dựng chuỗi giá trị, biện pháp phát triển, xây dựng, đăng ký thương hiệu trong sản phẩm… Phụ nữ thời đại 4.0 phải năng động hơn, liên kết với nhau, giúp nhau cùng làm giàu ngay tại vùng quê của mình”- bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
 
Hội thảo bao gồm 2 chuyên đề chính là: Thực trạng, giải pháp trong việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng chuỗi liên kết tại Đồng bằng sông Cửu Long và sản xuất, kinh doanh trong thời đại 4.0. Đặc biệt, ở chuyên đề 1, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm liên kết trong quá trình sản xuất đến xây dựng thương hiệu…
 
GS.TS. Nguyễn Phú Son, trường ĐH Cần Thơ đã chỉ ra, phụ nữ có đóng góp rất quan trọng trong tổng thu nhập hộ (58%) và tham gia vào quyết định các hoạt động sinh kế trong gia đình. Nông nghiệp và dịch vụ là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ (55%), tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo (15%); xây dựng (7%); và vận tải kho bãi (7%). Vì thế phụ nữ ngày nay cần liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển.
c1.jpg
GS. TS. Nguyễn Phú Son, trường ĐH Cần Thơ chia sẻ tại Hội thảo
 
Ông Son cho rằng: “Liên kết là cả một quá trình, không nên làm theo phong trào. Trong liên kết phải nêu cao chữ tín, không được làm theo kiểu ăn xổi ở thì. Các cơ quan làm chức năng thúc đẩy phải chịu dấn thân, đi sâu đi sát với người dân thì mới hiểu được sản phẩm của người dân và góp phần thúc đẩy sản phẩm phát triển. Các đơn vị trong chuỗi liên kết phải tạo dựng được niềm tin, thông tin phải minh bạch giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất”.
 
Bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh về việc tạo lập thương hiệu trong quá trình liên kết sản xuất: “Vấn đề làm thương hiệu và truy xuất nguồn gốc rất quan trọng khi bán sản phẩm thị trường. Ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì hướng đến GlobalGAP, sản xuất hữu cơ… các hợp tác xã cần định hướng cho vùng đó sản xuất sản phẩm sạch gì? Các hộ liên kết với nhau thì mới tạo ra những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, tạo giá trị thành công”.
c2.jpg
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm 
 
Ở góc độ doanh nghiệp bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Cơ sở chế biến cá thát lát Kỳ Như, Hậu Giang chia sẻ về kinh nghiệm liên kết giữa doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và người nông dân: “Theo tôi, muốn làm sản phẩm đạt chất lượng tốt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thì nên xét nghiệm mẫu nước, mẫu đất trước khi hợp đồng với nông dân. Chúng ta cần thu thập thêm kiến thức từ các lớp tập huấn của tổ chức hội và hợp đồng với người nông dân thực sự có tâm huyết… Trong quá trình liên kết, chúng ta cần làm hợp đồng chặt chẽ để mỗi bên có trách nhiệm tạo chuỗi sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Mình bao tiêu số lượng uy tín tạo niềm tin cho người nông dân. Mình hợp đồng số lượng vừa sức, làm mất uy tín với người nông dân thì sẽ khó làm việc lâu dài”.
a5.jpg
Phụ nữ cần liên kết để cùng nhau phát triền kinh tế
 
 
Phát biểu kết luận chuyên đề thực trạng, giải pháp trong việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng chuỗi liên kết tại Đồng bằng sông Cửu Long, bà Phạm Thị Hương Giang, Ủy viên đoàn Chủ tịch, giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết: Nhà sản xuất nhỏ lẻ đa phần là phụ nữ thì phải liên kết lại với nhau, tạo mạng lưới tiêu thụ. Khi liên kết thì chúng ta có nhiều vốn để mua máy móc, thiết bị, có kỹ thuật tốt, có khả năng tổ chức tập huấn, tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, có điều kiện để được hỗ trợ hướng dẫn xây dựng thương hiệu trong nước và quốc tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm