Phụ nữ càng ngại sử dụng công cụ pháp lý thì điểm tựa cuộc sống của họ càng ít

Đinh Thu Hiền (Thực hiện)
21/05/2020 - 14:36
Phụ nữ càng ngại sử dụng công cụ pháp lý thì điểm tựa cuộc sống của họ càng ít
Luật sư Đậu, Hãng luật LPVN Law Firm, vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ độc bản" nhằm tôn vinh vị thế phụ nữ và đưa ra bí quyết tạo dựng cuộc sống hạnh phúc dành cho nữ giới. Chia sẻ với PNVN về những vấn đề pháp lý mà phụ nữ thường gặp, Luật sư Đậu Quyên cho biết:

Dựa theo thực tế tiếp xúc và tư vấn khách hàng, tôi thấy phụ nữ ngày nay thường gặp phải các vấn đề pháp lý như: Quản trị tài sản gia đình; ly hôn; kết hôn có yếu tố nước ngoài; tranh chấp trong kinh doanh; tư vấn pháp lý khi đầu tư; bảo vệ quyền lợi con cái; bị xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm; bị lừa đảo; bị "quỵt" nợ. Tất nhiên, đó là phân khúc khách hàng họ xem trọng pháp lý và sử dụng công cụ pháp lý trong cuộc sống hàng ngày nên đã tìm gặp luật sư. Còn lại nhiều phụ nữ không tìm đến luật sư vẫn còn những vấn đề pháp lý khác. Việt Nam có hơn 48,3 triệu phụ nữ và rõ ràng chúng ta sẽ đối mặt với các vấn đề pháp lý không khác gì so với đàn ông, trong công việc, làm ăn, sinh sống... Thậm chí là nhu cầu pháp lý của phụ nữ nhiều hơn đàn ông, khi chúng ta là đối tượng dễ bị bạo hành, lạm dụng hay sống trong môi trường còn tồn tại bất bình đẳng giới và giao thoa mọi mặt với bên ngoài.

- Có phải vì phụ nữ là đối tượng yếu thế trong xã hội nên họ ngại sử dụng công cụ pháp lý không thưa luật sư?

Luật sư Đậu Quyên: Tôi cho rằng, nếu xác định mình là "đối tượng yếu thế", thì càng yếu thế càng phải biết sử dụng công cụ để gia tăng sức mạnh. Pháp lý là công cụ rất hữu hiệu. Nó giúp phụ nữ tự tin và chủ động trong mọi hoàn cảnh. Hiểu biết pháp lý, phụ nữ sẽ biết bảo vệ bản thân, lựa chọn làm hoặc không làm bất kỳ việc gì để mình được sống tốt. Phụ nữ có nhiều quyền năng mạnh mẽ. Riêng việc mang danh "phụ nữ" đã hàm chứa một quyền lực mềm đầy sức mạnh nội tại rồi. Nhưng nhiều người không suy nghĩ như vậy. Họ suy nghĩ phải mang danh phận đàn bà là sự thiệt thòi. Nếu phụ nữ càng ngại sử dụng công cụ pháp lý thì điểm tựa cuộc sống của họ sẽ càng ít đi. Và thực tế, tôi thấy phụ nữ từ 30 đến 45 tuổi sử dụng công cụ pháp lý nhiều nhất. Đây cũng là nhóm đang tạo ra giá trị và di sản cho xã hội.

Phụ nữ càng ngại sử dụng công cụ pháp lý thì điểm tựa cuộc sống của họ càng ít - Ảnh 1.

- Giá trị và di sản của nữ giới, cụ thể đó là gì vậy, thưa luật sư? Có phải là những gì tốt đẹp họ để lại sau này hay không?

Luật sư Đậu Quyên: Gần như là vậy và có thể xác định rất rõ. Tôi lấy ví dụ, khi nhắc đến các phương pháp giáo dục sớm, người ta nhắc đến Maria Montessori. Bà đã ứng dụng kiến thức trị liệu và kỹ thuật của bản thân vào vấn đề dạy trẻ. Khi tặng nhau món quà cao cấp Chanel, người ta nhớ đến Coco Chanel dù bà đã mất từ năm 1971. Khi đọc Harry Potter và nhắc đến từ "phù thủy" hay "ma thuật", người ta nhớ ngay tới J.K Rowling...

Trong cuộc sống hàng ngày, giá trị và di sản biểu hiện rất cụ thể, như việc đề cập đến người đàn ông thành đạt nào đó, người ta nhắc đến vợ con, những người đã hỗ trợ cho sự thành công ấy. Hay khi nhắc đến những ngôi trường, con đường, những bệnh viện... người ta nhớ đến người có công lao tạo lập hoặc đóng góp cho công trình đó. Nhiều người trẻ thay đổi bản thân chỉ bằng một câu nói tác động sâu sắc đến họ. Đó chính là những giá trị, những di sản, hữu hình hoặc vô hình.

Giá trị và di sản là những thứ mà khi ta còn sống, ta tạo ra để nó hữu ích với người khác. Vì hữu ích nên nó tồn tại hoặc trường tồn. Đó có thể là một khối tài sản lớn, một tên tuổi để người đời nhắc đến, những đứa con có giá trị cho xã hội, những quyển sách, những bài thơ, những ca khúc, hay đơn giản chỉ là một câu nói để đời. Di sản là thứ được tạo lập ở hiện tại bằng cuộc đời của một người còn sống nhưng có giá trị không chỉ cùng thời với người tạo dựng mà còn mãi cho người sau, đời sau.

Phụ nữ càng ngại sử dụng công cụ pháp lý thì điểm tựa cuộc sống của họ càng ít - Ảnh 2.

- Phụ nữ cần làm rất nhiều việc để có được điều đó đúng không?

Luật sư Đậu Quyên: Nhiều người nghe đến từ "di sản" thì suy nghĩ khó đạt được. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì, nếu phụ nữ sống đúng bản chất, thay vì sống bằng bản năng thì họ luôn tạo ra giá trị và di sản cho xã hội. Mọi phụ nữ đều đủ sức làm điều đó. Vấn đề là, hiện nay, nhiều phụ nữ đang loay hoay với cuộc đời của mình, mắc kẹt trong những mối quan hệ xã hội xấu. Họ chưa thể thoát ra khỏi những vụn vặt đời thường để sống đúng với bản chất của người phụ nữ. Do vậy, họ chưa nhận thức rõ được mình là ai, cuộc đời của mình như thế nào và hành trình của mình khi sống ở địa cầu ra sao. Khi hiểu rõ về những điều đó thì phụ nữ sẽ khai mở được các nút thắt tư duy và tự tin khai phá những năng lực tiềm ẩn bên trong mình, để sống cuộc đời độc bản tạo giá trị di sản.

Gần 100 năm trên cõi đời này, luôn đủ dài cho những ai muốn tạo dựng di sản cho xã hội. Phụ nữ chúng ta hãy cùng chú tâm và góp sức mình vào việc tạo ra giá trị và di sản để khi ta mất đi, di sản vẫn còn kể về ta cho người sau và đời sau.

- "Phụ nữ phải sống độc bản tạo giá trị di sản" – dường như đó là thông điệp mà luật sư đã truyền tải trong cuốn sách mới dành cho phụ nữ của mình?

Luật sư Đậu Quyên: Đúng vậy! Trong quá trình hành nghề luật sư bảo vệ quyền lợi phụ nữ, được tiếp xúc và sống cuộc đời của nhiều người, tôi nhận ra, phụ nữ Việt Nam cần nhiều sự tư vấn, đồng hành và chia sẻ để họ có thể tạo ra giá trị và di sản cho xã hội. Tuy ấp ủ đã lâu nhưng tôi không có nhiều thời gian để chấp bút. Đại dịch Covid-19 với lệnh cách ly và giãn cách xã hội từ đầu năm đến nay khiến tôi có nhiều thời gian để thực hiện mong muốn của mình hơn. Và kết quả là tôi đã ra mắt cuốn sách "Phụ nữ độc bản – Bí quyết tạo dựng di sản dành cho nữ giới", được cấp phép xuất bản bởi Nhà Xuất bản thế giới.

Sách dành cho mọi phụ nữ Việt Nam từ 15 tuổi trở lên. Nội dung cung cấp cho phụ nữ hiểu biết các vấn đề về nhận thức bản thân; tính độc bản tồn tại bên trong mỗi người; những mô hình và công thức độc bản của nữ giới. Sách cũng giúp phụ nữ hiểu thêm về vòng đời, vòng pháp luật để định vị bản thân, sống tỉnh thức và luôn chủ động trước những bước ngoặt lớn của cuộc đời như mang thai, kết hôn, ly hôn...

Cuốn sách cũng hướng dẫn người phụ nữ thời đại mới cách thức xây dựng hành trình độc bản cho riêng mình với các bí quyết dễ áp dụng, dễ thực hiện. Không chỉ là hiểu biết nhận thức, cuốn sách còn cung cấp cách thức để mỗi người có thể tự xây dựng bản thân, cuộc đời và hành trình theo cách riêng để hoàn thành sứ mệnh độc bản, tạo giá trị di sản cho xã hội.

- Luật sư mong muốn điều gì nhất ở phụ nữ ngày nay, các thân chủ mà chị đang bảo vệ họ?

Luật sư Đậu Quyên: Mọi phụ nữ đã được sinh ra thì đều được "sống sướng". Có lẽ hơn nửa đời người, tôi đã gặp nhiều tình cảnh phụ nữ "sống khổ". Nên tôi đã mải mê đi tìm câu trả lời cho giới nữ và tôi đã tìm thấy đáp án. Luôn có những bí mật, những công thức, những cách làm để phụ nữ ngày nay không còn phải sống khổ như thời xưa, thời mà chiến tranh loạn lạc và nghèo đói còn tồn tại. Phụ nữ ngày nay có đủ các điều kiện để họ có thể làm chủ bản thân, cuộc đời và hành trình, để tận hưởng cuộc sống. Vấn đề là họ có dấn thân đi tìm và sẵn sàng cho những thay đổi để sống sướng hay không mà thôi!

- Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Đậu Thị Quyên, với bút danh Đậu Quyên, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Cô hiện là Giám đốc LPVN Law Firm, hãng luật chuyên cung cấp dịch vụ luật sư riêng cho nhà đầu tư, doanh nhân, gia tộc kinh doanh, người nổi tiếng và chính trị gia. Đậu Quyên cũng là người trực tiếp phụ trách khối tư vấn LPWO Lawyers - đơn vị chuyên trách bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái.

Cuốn sách "Phụ nữ độc bản" của luật sư Đậu Quyên đã đưa ra nhiều câu chuyện pháp lý dành cho nữ giới, cũng như cách nhìn nhận, cảm nhận và tạo lập vị thế riêng để người phụ nữ sống cuộc đời hạnh phúc hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm