pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần có chính sách bảo vệ quyền lợi của lao động nữ giữa đại dịch
Ảnh minh họa
2,7 tỷ lao động thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Thế giới đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn khi đối mặt với Covid-19, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau tại nhiều quốc gia, khủng hoảng y tế dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trên toàn cầu. Theo ILO, số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II năm nay, tương đương 195 triệu người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Arab (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian) và châu Á - Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian).
“Người lao động và doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển... Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta là tiếp tục tồn tại hay sụp đổ”.
Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề nhưng trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian). Những con số này cho thấy sức tàn phá của đại dịch Covid-19 vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính. Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong cả năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp chính sách.
Theo ILO, 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành kể trên được xác định là có nguy cơ bị sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc. Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề. Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Nhóm lao động tự do ở các nước đang phát triển vốn là "tấm đệm" giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do thay đổi đột ngột mang lại thì lần này sẽ không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa.
Lao động nữ thuộc nhóm bị ảnh hưởng lớn
Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Ước tính, con số này tương đương 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Không chỉ công nhân nghèo tại các nước kém phát triển, những nền kinh tế lớn cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thất nghiệp nghiêm trọng. Điển hình là Mỹ, 26,4 triệu việc làm đã biến mất trong 5 tuần qua, toàn bộ thành tựu việc làm tích cóp được kể từ Đại Suy thoái (2008 - 2009) bị quét sạch. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 3 lên tới 4,4% - mức cao nhất kể từ tháng 8/2017 (theo Cục Thống kê Lao động Mỹ). Còn tỷ lệ thất nghiệp do dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tăng từ 5,2% lên 6,2%. Ở Việt Nam, hơn 22 triệu lao động dễ mất việc do dịch Covid-19.
Tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Đảm bảo yếu tố giới trong các biện pháp chính sách
Ở Việt Nam, những lĩnh vực: dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản, các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tương đương 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam (theo tính toán của ILO dựa trên kết quả Điều tra Lao động việc làm năm 2018). "Chúng ta không nói rằng, tất cả những lao động này sẽ bị mất việc nhưng có thể thấy, họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động", TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo TS. Chang-Hee Lee, việc bảo đảm yếu tố giới trong các phản ứng chính sách phải được xem xét, coi trọng. ILO nêu rõ, cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào 4 trụ cột: Hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.
“Tại Việt Nam, ngành kinh tế phi chính thức đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho người dân. Hiện Việt Nam có 7,8 triệu phụ nữ làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, đóng góp từ 15% tới 27% GDP nhưng họ lại không được tiếp cận và hưởng lợi từ an sinh xã hội như lao động chính thức. Phụ nữ chiếm đa số trong các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, ví dụ như ngành bán lẻ với 64% công nhân là nữ hay ngành may với 77% công nhân là nữ”.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam
Đề xuất về các giải pháp hỗ trợ lao động nữ, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nhấn mạnh, cần xác định nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trong các ngành nghề phi nông nghiệp là một thách thức lớn vì Việt Nam không có cơ sở dữ liệu về nhóm này. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới nhóm người di cư, những người không đủ điều kiện nhập khẩu hay tạm trú ở nơi họ đang sinh sống và làm việc, với đa dạng các loại ngành nghề khác nhau.
Mặt khác, Oxfam khuyến nghị, cần giám sát quy trình, thủ tục xin hỗ trợ ở tất cả các bước, các cấp và giám sát số người được nhận hỗ trợ thực tế. Cần giám sát thông qua hệ thống chính quyền địa phương và ban ngành đoàn thể, có quy trình rõ ràng và có sự kiểm tra. Mặt khác, cần thiết lập các số điện thoại đường dây nóng để cung cấp thông tin cho người dân về gói hỗ trợ; tiếp nhận đăng ký xin hỗ trợ của người dân và hỗ trợ hoàn thành các thủ tục; tiếp nhận những phản ánh của người dân khi gặp khó khăn...