pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ chợ Bình Tây giữ vững phong trào “Người kinh doanh văn minh”
Các cá nhân được khen thưởng tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Chợ Bình Tây lần thứ 14, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngôi chợ của tình người
Chợ Bình Tây là ngôi chợ nổi tiếng tại TPHCM, là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đây là nơi mua sắm mang đậm tính chất lịch sử, văn hóa đặc trưng của người miền Nam. Trong 5 năm qua, tình hình kinh doanh của các thương nhân ở đây đối mặt với nhiều khó khăn. Thế nhưng, Hội Phụ nữ Chợ Bình Tây vẫn nỗ lực để hỗ trợ cho chị em hội viên phụ nữ, thương nhân. Nhờ đó, nhiều mô hình, phong trào vì phụ nữ nghèo đã ra đời, giúp đỡ biết bao mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ. Các chị còn nắm tay nhau, đoàn kết xây dựng nên một khu chợ nổi tiếng thân thiện, ấm áp tình người ở nơi vốn dĩ chỉ có tranh đua và xô bồ.
Là một trong những thương nhân "lão làng" ở khu chợ Bình Tây, cô Ứng Thị Liên, thương nhân kinh doanh ngành hàng mứt, luôn nhiệt tình đóng góp cho các hoạt động từ thiện mỗi khi Hội phụ nữ chợ phát động. Cô Liên còn hăng hái tham gia các hoạt động Hội dù năm nay đã gần 60 tuổi. Với cô, đó còn là cách để trả ơn cho nơi mà mình đã gắn bó hơn nửa đời người, nơi giúp cô có được cuộc sống tốt như hiện nay. "Hội phụ nữ chợ Bình Tây luôn là chỗ dựa tinh thần cho chị em tiểu thương chúng tôi, đã khơi dậy truyền thống nhân đạo tương thân tương ái trong tiểu thương và khách hàng, làm cho tiểu thương phấn khởi tích cực tham gia các hoạt động và phong trào của Hội. Mỗi khi có hoạt động từ thiện tôi đều tích cực đóng góp, mỗi người một ít nhưng gom lại thành nhiều. Từ đó, giúp đỡ cho những hoàn cảnh bất hạnh, những trẻ em mô côi hoặc đồng bào bị hạn mặn, lũ lụt", cô Liên bộc bạch.
Chị Lê Thị Hạnh, Chủ tịch Hội phụ nữ chợ Bình Tây, cho biết: Công tác xã hội từ thiện được Hội và hội viên, thương nhân tích cực tham gia, đây là điểm nổi bật của Chợ. 5 năm qua, các hội viên, tiểu thương tại chợ đã tham gia đóng góp tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Các chị đã tổ chức đi thăm và tặng trên 4.000 phần quà tại các trung tâm nuôi người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, trại tâm thần, chăm lo bữa ăn cho bệnh nhi nghèo trên địa bàn TPHCM; Hội đã tổ chức phát gần 73 tấn gạo cho người dân nghèo vào dịp rằm tháng 7 âm lịch trước cổng chính của chợ; xây dựng 1 căn nhà tình thương và phối hợp cụm chợ xây 4 văn nhà tình thương trị giá 240 triệu đồng; trao 50 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai; Phong trào "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" hàng năm luôn được các chị tham gia hưởng ứng tích cực, đạt và vượt chỉ tiêu Hội giao; đóng góp trên 150 triệu đồng ủng hộ cho các lực lượng phòng dịch tại Quận 6 và TPHCM.
Tiến đến xây dựng chợ "Văn minh thương nghiệp"
Phong trào "Người kinh doanh văn minh" luôn được các thương nhân chợ Bình Tây đăng ký tham gia và tạo được nhiều kết quả tích cực. Đây không chỉ là phong trào mà còn là một cuộc vận động bền bỉ, đồng hành cùng chị em thương nhân vượt khó, xây dựng hình ảnh người thương nhân văn minh, chợ văn minh thương nghiệp.
Hội đã vận động 100% hội viên thương nhân thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" gắn với các tiêu chí thực hiện "Vệ sinh an toàn thực phẩm" vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Có 100% sạp kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã có 1.992 sạp kinh doanh đăng ký hạn chế sử dụng túi nylon và phong trào "Chống rác thải nhựa" đạt tỷ lệ 100%. Vận động 37 sạp kinh doanh túi nilon chuyển sang kinh doanh các loại túi, bao bì đựng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Vậy nên, trong 5 năm tới, Hội phụ nữ chợ Bình Tây tiếp tục đẩy mạnh phong trào này, gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình bình ổn thị trường, xây dựng chợ "Văn minh thương nghiệp". Hội tuyên tuyền cho hội viên thực hiện gian hàng, ngành hàng kiểu mẫu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, chú trọng hoạt động xây dựng thương hiệu.
"Người kinh doanh văn minh sẽ tạo ra một khu chợ văn minh. Vậy nên, Hội phụ nữ chợ Bình Tây luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Để vận động thương nhân thực hiện tốt phong trào, chúng tôi thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt. Ngoài ra, hội luôn nhắn gửi các thương nhân buôn bán phải có thái độ phục vụ tận tình, vui vẻ, văn minh, lịch sự trong ứng xử, giao tiếp với khách hàng, bạn hàng. Từ những điều nhỏ đó chúng ta sẽ từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu "Chợ văn minh thương nghiệp", chị Lê Thị Hạnh, chủ tịch Hội phụ nữ chợ Bình Tây, cho hay.
Chợ Bình Tây là chợ truyền thống được xây dựng từ những năm 1920 với diện tích xây dựng trên 22.000 m2. Hiện nay chợ có 1.992 sạp kinh doanh với trên 40 nhóm ngành hàng chuyên bán sỉ. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thực phẩm. Hội Phụ nữ Chợ Bình Tây có 514 hội viên.
Ngày 28/4, Hội phụ nữ chợ Bình Tây đã tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ Chợ Bình Tây lần thứ 14, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 11 đồng chí; Ban thường vụ gồm 3 đồng chí. Bà Lê Thị Hạnh, tái đắc cử chủ tịch Hội phụ nữ chợ Bình Tây.