pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ dân tộc thiểu số học cách tiếp cận thông tin qua Smartphone

Khai thác thông tin thông qua điện thoại Smartphone đã trở thành thói quen đối với phụ nữ người dân tộc thiểu số
Đối với chị Tẩn Thị Duyên, ở thôn Bản Trang, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, Lào Cai), chiếc điện thoại Smartphone là vật không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, bởi nó không chỉ là phương tiện liên lạc, mà còn là công cụ để chị tìm hiểu, khai thác thông tin ứng dụng vào cuộc sống thường ngày.
Chị Duyên chia sẻ: “Như một thói quen, mình muốn mua bán cái gì thì mở điện thoại tìm hiểu thông tin, từ giá cả, chủng loại, ngoài ra thì mình có thể tìm hiểu so sánh các mặt hàng khác nhau. Chẳng hạn như mình mua cây giống, con giống, phân bón, mình tìm hiểu để biết nơi nào giá tốt, chất lượng tốt”.
Ở thôn Bản Trang, rất nhiều phụ nữ người dân tộc Dao đều khá thành thạo sử dụng điện thoại smartphone như chị Duyên, tuy nhiên, việc sử dụng các ứng dụng để tìm kiếm khai thác thông tin thì không phải ai cũng biết. Do vậy, chị em thường hướng dẫn nhau cách sử dụng, nhờ đó năng lực của mỗi người ngày càng được nâng cao hơn.
Chị Lý Thị Vân, ở thôn Bản Trang, cho biết: "Việc sử dụng các tính năng ở điện thoại thông minh vào các công việc trong đời sống hàng ngày không phải ai cũng biết, cũng không dễ dàng nắm bắt được. Nên chị em cũng thường xuyên chia sẻ hướng dẫn nhau cách dùng. Chẳng hạn như việc cài đặt ứng dụng đọc tài liệu văn bản mỗi khi có chương trình tập huấn kỹ thuật ở địa phương. Họ đưa ra các mã QR code để quét tài liệu, mình phải cài đặt ứng dụng phần mềm trên điện thoại mới có thể đọc được. Khi được cán bộ hướng dẫn cách làm, rồi người biết trước lại hướng dẫn cho người sau, nên tôi thấy cũng rất hợp lý”.

Cập nhật thông tin qua điện thoại thông minh
Với phụ nữ người dân tộc thiểu số hiện nay, điện thoại thông minh còn là phương tiện để thực hiện các giao dịch kinh doanh khá tiện ích. Họ có thể bán hàng trực tiếp thông qua kết nối với các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, khi đó phạm vi thị trường của họ không còn bị bó hẹp trong một phạm nhỏ, thậm chí là các giao dịch xuyên biên giới.
Chị Giàng Thị Chá, ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Kể từ khi sử dụng điện thoại thông minh kết nối không gian mạng, tôi đã học hỏi được cách tham gia vào thị trường online, từ đó tôi thường xuyên thực hiện bán hàng qua mạng tới các nước Hoa Kỳ, Lào, Philippines, rất thuận lợi. Khi mình làm được thì mình cũng sẵn sàng chia sẻ với các chị em khác để cùng nhau phát triển, vì thị trường rất rộng lớn, có rất nhiều cơ hội để phát triển”.
Hiện nay, Hội LHPN tỉnh Lào Cai cũng rất chú trọng đến ứng dụng mạng xã hội vào phát triển công tác Hội, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thành lập hàng trăm hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook. Các Hội nhóm này không chỉ tuyên truyền các hoạt động hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn tích cực vận động hướng dẫn chị em tham gia ứng dụng các tiện ích từ các thiết bị điện tử thông minh để vận dụng vào cuộc sống cũng như lao động sản xuất.

Ngày nay các thiết bị điện tử trở nên quen thuộc với phụ nữ người dân tộc thiểu số vùng cao
Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “Hội LHPN tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có công tác tuyên truyền chị em tích cực ứng dụng công nghệ để cập nhật thông tin trên các nền tảng số. Cho đến nay, 100% Hội LHPN các huyện trong tỉnh Lào Cai đều xây dựng và phát triển trang tin trên nền tảng mạng xã hội. Các cấp Hội trong tỉnh đang duy trì hoạt động 138 trang/nhóm/tài khoản mạng xã hội Facebook của các cấp Hội và trên 400 nhóm Zalo, đây chính là những cơ sở chia sẻ thông tin rất tiện ích và kịp thời đến toàn thể các hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh”.