pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Dao bước qua định kiến, đi làm ăn xa, nâng cao thu nhập
Nhiều phụ nữ Dao ở Lào Cai đã bước qua những định kiến tìm đến những môi trường làm việc mới
Nếu như xưa kia, quan niệm của cộng đồng người Dao ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai thường cho rằng, phụ nữ chỉ nên ở nhà làm việc và chăm sóc gia đình, con cái. Việc đi làm ăn xa thường là của người đàn ông trong gia đình.
Thế nhưng hiện nay, nhiều chị em, đặc biệt là những phụ nữ trẻ tuổi, đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Thay vì an phận với việc lao động sản xuất, chăm sóc gia đình tại nhà, chị em đã đi tới những khu công nghiệp ở các tỉnh xa, để tìm việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
Chị Bàn Thị Xuân, ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, chia sẻ: “Lúc đầu, tôi đặt vấn đề với gia đình là muốn đi làm công nhân ở dưới Hải Dương, chồng tôi và cả bố chồng tôi đều phản đối, vì từ xưa đến nay, người phụ nữ chủ yếu ở nhà, còn đi làm xa thường là đàn ông. Thế nhưng tôi quyết tâm thuyết phục gia đình để đi làm, bởi ngày nay cách nghĩ, cách sống của phụ nữ người Dao chúng tôi cũng khác xưa rồi, không còn chịu bó buộc bởi những quan niệm cũ nữa. Chúng tôi mạnh dạn đi xa gia đình để tìm việc làm, có môi trường tốt hơn, thu nhập cao hơn, đem lại ích lợi cho chính cuộc sống của gia đình mình thì không có gì mình không dám lựa chọn cả”.
Từ những làng bản ở miền núi rừng xa xôi, trở về các tỉnh miền xuôi làm công nhân, ban đầu chị em cũng gặp khá nhiều khó khăn, bất cập khi hòa nhập vào một môi trường sống mới, công việc mới.
Chị Triệu Thị Thêu, ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, cho biết: “Lúc mới đến làm công nhân, cuộc sống có nhiều bỡ ngỡ. Ở đây phải sinh hoạt và làm việc theo giờ giấc, tuân thủ các quy định kỷ luật ở nơi làm việc, hoàn toàn khác với cuộc sống tự do như ở nhà làm nông nghiệp. Do vậy, chị em nào cũng phải mất một thời gian để làm quen, để bắt nhịp với cuộc sống và công việc. Nhưng khi đã quen rồi thì mọi thứ lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này cũng giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm”.
Từ những thay đổi nếp nghĩ cách làm đã giúp chị em mạnh dạn tìm đến những công việc mới, dù xa nhà nhưng lại có nguồn thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Điều này đã góp phần nâng cao vị thế của chị em, giúp chị em có vai trò quyết định cao hơn trong gia đình, không còn chịu “lép vế” trước các ông chồng ở nhà như những quan niệm xưa cũ nữa.
Chị Đặng Thị Kỳ ở xã Tân An, huyện Văn Bàn, cho hay: “Khi mình có nguồn thu nhập ổn định, không còn phải lệ thuộc vào chồng, thì mình cũng có tiếng nói hơn trong gia đình. Ví dụ như việc tính toán đầu tư làm ăn, nuôi dạy con cái học hành, mình cũng có tiếng nói. Và thêm nữa khi đi làm ăn xa, tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài, mình cũng có cách nhìn khác hơn về cuộc sống. Từ đó, việc quyết định công việc gia đình, con cái, mình cũng có những ý kiến mà chồng con cũng phải nghe theo, để mọi việc được tốt hơn”.
Câu chuyện vượt qua những định kiến, những quan niệm cũ để người phụ nữ dân tộc Dao bước ra bên ngoài cộng đồng để làm việc, phát triển đến nay đã trở thành một phong trào khá phổ biến. Bởi từ một người, hai người đi làm xa mang lại hiệu quả, nhiều chị em khác lại làm theo. Việc này đã giúp cho nhiều chị em cùng phá bỏ định kiến cũ để thay đổi bản thân.
Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Chính sách pháp luật, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, cho biết: “Nhiều phụ nữ người Dao nói riêng và phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai hiện nay đã có những thay đổi lớn trong tư duy. Họ không còn lệ thuộc vào những quan niệm cũ, những công việc cũ, mà lựa chọn những công việc phù hợp để làm, dù là ở xa hay ở gần. Điều này chẳng những giúp chị em vượt qua định kiến cũ, mà còn giúp họ tìm đến những cơ hội thay đổi điều kiện làm việc và tăng thêm thu nhập. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bản thân và gia đình họ, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương rõ rệt”.