pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Hưng Yên sáng tạo, tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia bảo vệ môi trường
Bà Doãn Thị Nguyệt (giữa), Chủ tịch Hội LHPN Hưng Yên, thăm, tặng quà bà Bùi Thị Xứng, thôn Xuân Nhân, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào - gia đình thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Duy Bốn, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ
Bám sát chủ đề năm 2023 "Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở", Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn những nội dung tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện trong năm 2023.
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Hưng Yên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động Hội, nhất là cấp cơ sở, quan tâm chăm lo đến lợi ích thiết thân của hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ yếu thế, thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mẹ đỡ đầu", quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Các cấp Hội chú trọng xây dựng mô hình mới và nhân rộng các mô hình hiệu quả giúp phụ nữ nghèo, thu hút hội viên đặc thù, hội viên danh dự. Các hoạt động của Hội trước khi xây dựng kế hoạch đều được quan tâm khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ để thực sự phù hợp và mang lại lợi ích thiết thực cho chị em.
Đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn thành nội dung chương trình công tác đề ra, 8 chỉ tiêu giao ước thi đua đều đạt và vượt kế hoạch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh của tỉnh.
Để có được kết quả đó, ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần thứ 3 khóa XIII, trên cơ sở những định hướng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh lựa chọn những vấn đề ưu tiên, nội dung, cách thức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, gắn việc thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động, các khâu đột phá và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức ký giao ước thi đua với Hội LHPN 10 huyện, thị xã, thành phố và đơn vị. Đồng thời chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện ký giao ước thi đua với 100% cơ sở Hội bằng các tiêu chí phù hợp.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy định đi công tác tại cơ sở với phương châm đồng hành, hướng dẫn cán bộ cơ sở theo hướng "cầm tay chỉ việc"; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và các vấn đề đặt ra đối với cán bộ, hội viên phụ nữ để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện và cơ sở tích cực phản ánh tình hình an ninh trật tự tại địa phương thông qua phiếu khảo sát online nhằm kịp thời giải quyết những vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích của hội viên phụ nữ tại cơ sở.
Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức các hoạt động, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thi đua đạt được những kết quả nổi bật, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Xác định tuyên truyền luôn phải đi trước một bước, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp xây dựng chuyên mục "Phụ nữ Hưng Yên thời đại mới" phát hàng tháng trên Đài phát thanh Truyền hình tỉnh Hưng Yên; Ký kết hợp tác tuyên truyền với Báo Phụ nữ Việt Nam; Phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm, livestream giới thiệu sản phẩm OCOP và sản xuất hàng hóa theo hướng chuỗi giá trị ở Hưng Yên góp phần quảng bá, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, các sản phẩm đặc trưng của Hưng Yên với bạn bè trong nước và quốc tế; Cấp phát Báo Phụ nữ Việt Nam tới 161/161 cơ sở Hội trong toàn tỉnh…; Đa dang hóa hình thức truyền thông trên các nền tảng số, fanpage, facebook, zalo…
Cán bộ gương mẫu thực hiện trước, hội viên hưởng ứng theo sau
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền", lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã "miệng nói, tay làm", luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, nhiệm vụ, chương trình, Đề án, cuộc vận động... để hội viên, phụ nữ làm theo.
Thực hiện khâu đột phá "Phụ nữ Hưng Yên tham gia bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vì tỉnh Hưng Yên phát triển bền vững", Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án "Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026" trình UBND tỉnh.
Ngày 19/01/2023 UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND phê duyệt Đề án và giao cho Hội LHPN tỉnh là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành Kế hoạch, chỉ đạo, triển khai điểm tại 80 thôn của 40 xã tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Đề án là một hướng đi mới cho công tác bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, tuần hoàn, không có rác thải bằng việc hội viên phụ nữ tự sản xuất ra chế phẩm vi sinh IMO từ men tiêu hóa, sữa chua và các nguyên liệu bản địa như chuối, dứa, cám gạo, men rượu…
Cái khó nhất của Đề án là việc đưa những công thức ứng dụng vào thực tiễn, để người dân thấy được những lợi ích từ việc thực hiện Đề án. Hội LHPN tỉnh đã mời chuyên gia đào tạo trực tiếp cho cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện. Yêu cầu 100% cán bộ Hội cấp tỉnh phải tự làm IMO, ứng dụng trong xử lý rác hữu cơ tại gia đình để làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, khử mùi nhà vệ sinh… báo cáo hàng ngày bằng hình ảnh trên nhóm zalo của cơ quan.
Sau khi chị em đã ứng dụng thành công tại gia đình mới chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ áp dụng phương pháp xử lý rác bằng chế phẩm IMO cho cơ sở. Tại mỗi cơ sở, cán bộ Hội cũng là những thành viên tích cực đi đầu trong việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Nhiều địa phương đã có cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện Đề án như Hội LHPN xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm; Hội LHPN xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên... đã thực hiện cấp thùng xử lý rác cho 10 hộ liền kề xử lý rác chung, lấy nước tưới cây trồng... Đến nay, đã có 63/161 cơ sở Hội, 15.279/24.000 hộ gia đình đăng ký thực hiện Đề án đã thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình (đạt 63,7%), trong đó có 13.129 hộ (đạt 54,7%) thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO, góp phần giảm đáng kế số lượng rác thải ra môi trường.
Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã sáng tạo trong thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Gia đình 5 có, 3 sạch" thông qua hỗ trợ gắn biển mô hình "Nhà sạch, ngõ sạch", "Nhà sạch, vườn đẹp" tại 14.785 hộ gia đình đạt các tiêu chí tại 89 cơ sở Hội, góp phần thực hiện Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch và Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.
Nhiều chị em cán bộ, hội viên, phụ nữ đã đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, tham gia các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác... Trong năm đã thành lập mới 3 Hợp tác xã, tiếp tục duy trì hoạt động của 16 Hợp tác xã, 30 tổ hợp tác đã thành lập. Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, chị em đã hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng, đi đầu trong phong trào trồng hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường, hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"... Cán bộ gương mẫu thực hiện trước, hội viên hưởng ứng theo sau đã tạo thành phong trào lan tỏa, rộng khắp các địa phương trong tỉnh.
Đỡ đầu 682 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" thông qua việc kết nối, huy động nguồn lực, tổ chức sân khấu hóa, xây dựng phóng sự, tuyên truyền lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng trong chương trình Mẹ đỡ đầu, song song với biểu dương, tri ân Mẹ đỡ đầu, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương...
Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội Nữ Doanh nhân tỉnh tổ chức chương trình "Mẹ đỡ đầu - Thắp sáng tương lai" tại trường quay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm tri ân các Mẹ đỡ đầu tiêu biểu, đồng thời đánh giá hành trình hơn 1 năm thực hiện chương trình của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, qua đó, tiếp tục kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thắp sáng tương lai cho những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp nhận đỡ đầu và kết nối để các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 682 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, đạt trên 70% chỉ tiêu cả giai đoạn, trong đó có những địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu đỡ đầu 100% trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Từ những hoạt động đổi mới, sáng tạo, đầy ý nghĩa của Hội đã mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên phụ nữ, giúp chị em tin tưởng và gắn bó với tổ chức Hội. Trong năm 2023, toàn tỉnh phát triển 2.272 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 305.941 (đạt tỉ lệ thu hút 68,3%), có 6/10 huyện kết nạp được 382 hội viên danh dự.
Với sự đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các cấp Hội, với đội ngũ cán bộ Hội gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu hướng các hoạt động về cơ sở và quan tâm đến lợi ích của hội viên phụ nữ, phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh và từng địa phương, thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.
Các cấp Hội đã đổi mới trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sinh kế bằng việc tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp cho phụ nữ, lựa chọn những dự án khả thi để hỗ trợ vốn, phương tiện, tư liệu khởi nghiệp. Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ mô hình chăn nuôi, con giống, thức ăn, tư liệu sản xuất, "Vườn cây khởi nghiệp sinh kế", "Vườn cây dược liệu" và máy xay đa năng cho 52 chị, trong đó, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 19 vườn cây và 11 máy xay đa năng; cấp huyện 7 vườn và 1 máy xay đa năng; cấp cơ sở 8 vườn.
Nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật có thêm thu nhập, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã khảo sát và trao 4.050 con gà giống cho 90 hội viên phụ nữ, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN cấp huyện và cơ sở hỗ trợ cho 261 phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật về con giống, phân bón, phương tiện sinh kế... Phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào chăn nuôi với quy mô 2.500 con gà lai Đông Tảo, hỗ trợ cho 5 hộ gia đình hội viên phụ nữ tại xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ.
Các cấp Hội đã tổ chức hoạt động giúp gần 2.000 phụ nữ nghèo bằng nhiều hình thức như cho vay vốn, hướng dẫn cách làm, hỗ trợ tư liệu sản xuất...; Phối hợp với các ngành chức năng, các Công ty, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản sau thu hoạch... cho 36.153 người; phối hợp với ngành chức năng đào tạo nghề cho 1.328 học viên về may công nghiệp, mây tre đan...