Phụ nữ không phải đối tượng hỗ trợ mà là chủ thể sáng tạo

Đức Dũng (Tổng hợp)
13/04/2025 - 11:23
Phụ nữ không phải đối tượng hỗ trợ mà là chủ thể sáng tạo

Poster của Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Tương lai Bền vững cho Phụ nữ và Thanh niên

Phụ nữ và thanh niên không còn là người đứng bên lề. Họ chính là trung tâm kiến tạo một tương lai bao trùm, công bằng và bền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Tương lai bền vững cho Phụ nữ và Thanh niên đang diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia đã cùng thảo luận, đưa ra cam kết hành động vì giới và thế hệ trẻ.

Vai trò của phụ nữ và giới trẻ với tương lai bền vững

Từ ngày 7 đến 11/4/2025, Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Tương lai bền vững cho Phụ nữ và Thanh niên (Global Summit on a Sustainable Future for Women and Youth - GSWY 2025) mở ra một không gian đối thoại sâu sắc và hành động thực chất về vai trò của phụ nữ, thanh niên trong kiến tạo một thế giới bao trùm, công bằng và bền vững. Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức quốc tế, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội và lãnh đạo trẻ từ hơn 100 quốc gia. Hội nghị không chỉ là dịp tổng kết các thành tựu và thách thức của 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 với mục tiêu quyền bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, mà còn là bước chuyển đổi quan trọng để xác lập vị thế trung tâm của phụ nữ và thanh niên trong phát triển toàn cầu giai đoạn mới.

Trong nhiều diễn đàn phát triển bền vững trước đây, phụ nữ và giới trẻ thường được nhắc đến như "đối tượng được hỗ trợ". Nhưng tại GSWY 2025, định vị này đã thay đổi. Phụ nữ và thanh niên được nhìn nhận như chủ thể sáng tạo, nguồn lực chiến lược, người tiên phong trong hành động khí hậu, chuyển đổi số và kiến tạo xã hội công bằng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Isabelle Vladoiu, Tổng Giám đốc Viện Ngoại giao và Nhân quyền Hoa Kỳ (USIDHR), đơn vị đồng tổ chức, nhấn mạnh: "Tương lai bền vững không thể được hoạch định nếu thiếu tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và giới trẻ. Họ không đứng ngoài cuộc - họ là người dẫn đường".

Hội nghị cũng tập trung vào việc thực hiện Kế hoạch Hành động Giới III của Liên minh châu Âu, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. GSWY 2025 không chỉ là một diễn đàn đối thoại mà còn là cơ hội để các đại biểu trở thành "nhà hoạt động bền vững được chứng nhận" thông qua việc tham gia các phiên thảo luận và hội thảo chuyên sâu.

Sáu trụ cột

Hội nghị đã xây dựng khung hành động dựa trên 6 trụ cột chính, phản ánh các thách thức mà thế giới đang đối mặt, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể:

1. Phụ nữ và thanh niên như động lực xây dựng cộng đồng kiên cường: Biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhân đạo, đại dịch… đều cho thấy khả năng chống chịu và thích nghi của cộng đồng phụ thuộc vào mức độ tham gia của phụ nữ và giới trẻ. Họ không chỉ là người ứng phó mà còn là người kiến tạo, tái thiết cộng đồng.

2. Trao quyền kinh tế một cách toàn diện: Khoảng cách giới trong thu nhập, quyền sở hữu tài sản và khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, vẫn là rào cản lớn. GSWY 2025 thúc đẩy cam kết tạo cơ hội công bằng trong lao động, doanh nghiệp, công nghệ và chuỗi cung ứng toàn cầu.

3. Lãnh đạo chuyển đổi số và hành động khí hậu: Trong thế giới số hóa và khủng hoảng khí hậu ngày càng sâu sắc, vai trò của phụ nữ và thanh niên là then chốt. Nhưng họ cũng là nhóm có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không có chính sách tiếp cận, đào tạo và trao quyền kịp thời.

4. Thúc đẩy quản trị bao trùm: Chỉ có 26% tổng số ghế nghị viện trên toàn cầu hiện do phụ nữ nắm giữ và tỷ lệ người dưới 30 tuổi tham gia cơ quan lập pháp còn ít. Tăng cường đại diện của người trẻ tuổi, lồng ghép giới trong hoạch định chính sách là chiến lược không thể thiếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

5. Đầu tư vào giáo dục và bảo vệ quyền con người: Quyền học tập, được sống an toàn và phát triển trong môi trường bình đẳng là nền tảng vững chắc để trao quyền thực chất. Hội nghị kêu gọi ưu tiên ngân sách cho giáo dục giới tính, lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, bảo vệ trẻ em gái khỏi tảo hôn, bạo lực và bóc lột.

6. Tăng cường hợp tác toàn cầu và hành động liên ngành: GSWY 2025 khẳng định rằng mọi sáng kiến về phát triển bền vững cần có sự tham gia đa bên: Chính phủ - doanh nghiệp - xã hội dân sự - cộng đồng địa phương - và đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Cam kết chính trị cho hành động thực chất

Một trong những kết quả then chốt của Hội nghị là Tuyên bố Avcılar - bản tuyên ngôn thể hiện cam kết cụ thể từ các bên tham gia trong việc hành động vì phụ nữ và thanh niên.

Từ Istanbul, thông điệp được gửi đi không chỉ là những lời hô hào hành động, mà là sự khẳng định: Phụ nữ và thanh niên không phải phần phụ của chiến lược phát triển, họ chính là hạt nhân kiến tạo tương lai bền vững. Không có phát triển bền vững nếu một nửa thế giới - là phụ nữ - bị bỏ lại phía sau. Không có tiến bộ xã hội nếu tiếng nói của thế hệ trẻ bị che lấp. Hội nghị GSWY 2025 đã mở ra một chương mới của hành động toàn cầu, nơi những người tưởng chừng yếu thế lại trở thành những người viết lại tương lai, bằng chính tri thức, kinh nghiệm sống, lòng nhân ái và khát vọng đổi thay.

Tuyên bố Avcılar kêu gọi:

+ Phổ cập tiếp cận giáo dục toàn diện và nhân quyền cho phụ nữ và giới trẻ, đặc biệt trong bối cảnh di cư, xung đột và khủng hoảng khí hậu;

+ Tăng tỷ lệ ngân sách quốc gia dành cho các chương trình giới và thanh niên;

+ Tạo không gian an toàn trên môi trường số và thể chế cho các nhà hoạt động trẻ, lãnh đạo nữ tham gia quá trình ra quyết định;

+ Kết nối và xây dựng các mạng lưới hành động toàn cầu để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm