Phụ nữ mang thai, bà mẹ có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19

Linh Trần
30/08/2021 - 14:15
Phụ nữ mang thai, bà mẹ có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phụ nữ mang thai tại TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, Bộ Y tế đã quyết định sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng là  phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Vậy, trước và sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19, chị em cần  lưu ý những gì?

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 là an toàn

Hiện nay, Bộ Y tế và các địa phương đang triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhiều đối tượng, như lực lượng tuyến đầu chống dịch, công an, quân đội, người cao tuổi, người có bệnh nền,… Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay không, bởi đây là thời kỳ "đặc biệt" với chị em.

Chị Nguyễn Thị Xuân (27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị đang mang thai ở tuần 20. Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, chị muốn tiêm vaccine ngừa Covid-19 để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Chị đã đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên hệ thống đăng ký tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, chị cũng lo lắng việc tiêm vaccine trong thời kỳ mang thai liệu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. "Tôi muốn tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng. Tuy nhiên, mình cũng lo lắng việc tiêm vaccine trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé", chị chia sẻ.

Cũng như chị Xuân, nhiều bà bầu hoặc chị em mới sinh cũng đang ngóng để tiêm vaccine ngừa Covid-19. Dù vậy, đa phần chị em vẫn còn đắn đo trong việc tiêm vaccine bởi lo lắng cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu cho thấy, đối tượng bà bầu, phụ nữ sau sinh tiêm vaccine không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ, thai nhi và em bé. 

PGS.TS. Alisa Kachikis, chuyên gia sản phụ (Đại học Washington) cho biết, một khảo sát với 20.000 phụ nữ mang thai, cho con bú tham gia sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thấy, đối tượng này có đáp ứng tốt với vaccine ngừa Covid-19. Đồng thời, không có bất kỳ sự gia tăng phản ứng phụ nào nằm ngoài dự kiến sau tiêm vaccine ở những phụ nữ đang mang thai. Hơn nữa, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ gần đây cũng đã khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tính đến cuối tháng 7/2021, tại Mỹ đã có 23% phụ nữ mang thai được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư City of Hope (California, Hoa Kỳ) cho biết, hiện chưa có nghiên cứu hoàn chỉnh nào chứng minh rõ ràng ảnh hưởng của vaccine Covid-19 lên phụ nữ mang thai và cho con bú. Theo TS. Vũ, khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi, tử cung ngày càng lớn, đẩy lên trên làm giảm dung tích phổi, hệ thống miễn dịch bị ức chế một phần để không gây hại cho em bé. Điều này khiến phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19 sẽ trầm trọng hơn phụ nữ cùng tuổi không mang thai. Nếu mắc Covid-19 và phải nhập viện, phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non dao động từ 10% đến 25%, với tỷ lệ cao nhất là 60% khi bệnh trở nặng. 

Tuy nhiên, cho đến hiện nay đã có một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú nên được chích vaccine Covid-19 vì những lợi ích của nó mang lại. "Các vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng hiện nay cho thấy khá an toàn với bà mẹ cho con bú. Vaccine sử dụng mRNA như Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho thấy rất an toàn vì mRNA là phân tử không bền, rất dễ bị phân hủy sau khi đưa vào người và trình diện kháng nguyên S cho tế bào miễn dịch", TS. Vũ nói.

Ngoài lợi ích cho bà mẹ thì việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn có thể mang lại lợi ích cho em bé đang bú sữa mẹ. Theo TS. Vũ, các nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy kháng thể được tạo ra từ người mẹ sau khi tiêm vaccine Covid-19 có thể được truyền qua dòng sữa này để đến được đứa con. Kháng thể trong sữa này có thể ổn định trong suốt thời gian vaccine có hiệu lực và khá tương đồng với lượng kháng thể có trong máu của người được tiêm ngừa. Do vậy, việc cho con bú sữa mẹ trong giai đoạn này ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn giúp cung cấp các kháng thể để tạo một hệ miễn dịch thụ động cho bé chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn.

Còn theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, phụ nữ có thai, không có thai và những người bình thường khác có nguy cơ mắc Covid-19 là như nhau. Hơn nữa, phụ nữ mang thai cũng không thể ở trong nhà mãi mà còn phải đi làm, đi khám thai nên có nguy cơ lây bệnh từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó, quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi,…sẽ khiến dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ. "Với những yếu tố trên, nếu thêm mắc Covid-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng thêm nhanh chóng. Do đo, việc việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai là cần thiết.

Trước và sau tiêm cần lưu ý gì?

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021, đưa phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vào chỉ định tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đồng thời, quyết định này đưa phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ra khỏi nhóm cần thận trọng tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cho đối tượng này trừ vaccine Sputnik V vì theo hướng dẫn, vaccine này chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Lý giải về nguyên nhân chọn mốc 13 tuần để tiêm vaccine Covid-19 cho phụ nữ mang thai, bác sĩ Bạch Thị Chính (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, thai kỳ phụ nữ được chia thành 3 giai đoạn, gồm 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ. Trong đó, giai đoạn đầu tiên rất quan trọng, nếu không thận trọng có thể gây ra các dị dạng thai. Vì vậy, chuyên gia thường khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine sau giai đoạn này. 

Còn theo PGS. Trần Danh Cường, phụ nữ đang cho con bú được khuyến khích nên tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt. Bởi hiện nay, các loại vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng hiện nay không chứa virus sống nên rất an toàn. Hơn nữa, kháng thể có trong sữa mẹ còn có tác dụng bảo vệ trẻ trước các bệnh nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giúp cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời vẫn tiếp tục cho con bú sau tiêm. 

Các chuyên gia cho biết, vaccine là chìa khóa quan trọng nhất để sớm chiến thắng dịch Covid-19. Tại Việt Nam, hiện nay có các loại vaccine  phòng bệnh Covid-19 bao gồm: AstraZeneca (Anh) được sản xuất theo công nghệ véc tơ; hai loại vaccine Pfizer/BioNTech (Mỹ) và Moderna (Mỹ) được phát triển theo công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền mRNA. Những loại vaccine này đều có thể tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ cho con bú. Trong đó, vaccine AstraZeneca tiêm 2 mũi, cách nhau từ 1- 3 tháng; vaccine Moderna tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 4 tuần; vaccine Pfizer tiêm 2 mũi, cách nhau từ 21-28 ngày.

Các chuyên gia cũng lưu ý, trước khi tiêm vaccine, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú nên ăn uống hợp lý, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, hợp tác khai báo y tế, tuân thủ 5K. Chị em cũng cần thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử dị ứng, các bệnh cấp tính/mạn tính đang mắc, các thuốc đang sử dụng… Sau khi tiêm cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe. Bởi vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các biến chứng sau tiêm, như phản ứng phản vệ. 

Trong trường hợp đã về nhà, chị em cần tự theo dõi trong khoảng thời gian từ 7 ngày đến 28 ngày nhằm phát hiện các biểu hiện bất thường. Trường hợp phát hiện các biểu hiện như nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều,… chị em cần nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. "Nếu có cơ hội và đủ điều kiện, cam kết tiêm chủng, phụ nữ mang thai và cho con bú nên tiêm đủ 2 mũi vaccine càng sớm càng tốt. Khi đi tiêm, chị em đảm bảo tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé", PGS. Trần Danh Cường chia sẻ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm