pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bà bầu mắc đậu mùa khỉ có thể truyền từ mẹ sang thai nhi hoặc thai chết lưu
Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ
Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, ngày 23/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang theo dõi, giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa bệnh xâm nhập.
Ngoài ra, Cục cũng phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh và các biện pháp ứng phó...
Theo WHO, đến ngày 21/5, trên thế giới đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia. Trong đó, các quốc gia ghi nhận ca bệnh gồm Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ,…
Bệnh đậu mùa khi lần đầu được phát hiện vào năm 1958 trên khỉ. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Từ đó, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người tại các quốc gia Trung và Tây Phi.
Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa.
Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm virus.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.
WHO cũng cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ổ dịch tại Congo. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu.