Phụ nữ muốn thoát nghèo cần thay đổi tư duy làm kinh tế

An Khê
03/08/2023 - 20:56
Phụ nữ muốn thoát nghèo cần thay đổi tư duy làm kinh tế

Ông Nông Văn Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Giáo Hiệu, hội viên danh dự Hội LHPN xã Giáo Hiệu - đang chia sẻ thông tin với phụ nữ địa phương

Là một xã khó khăn thuộc huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, xã Giáo Hiệu có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày sinh sống. Với thu nhập bình quân đầu người thấp, hội viên, phụ nữ xã chưa có cơ hội vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo.

Một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang được Đảng ủy và chính quyền địa phương tháo gỡ. Ông Nông Văn Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Giáo Hiệu, hội viên danh dự Hội LHPN xã Giáo Hiệu - chia sẻ về vấn đề này.

Phụ nữ muốn thoát nghèo cần thay đổi tư duy làm kinh tế - Ảnh 1.

Xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày sinh sống

Xin ông cho biết về tình hình phân bổ dân cư cũng như tình hình kinh tế chung của các gia đình hội viên, phụ nữ tại địa phương?

Địa bàn có dân số 2.047 người, trong đó có 328 hội viên phụ nữ, đa số là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày. Tình hình kinh tế chung của các gia đình hội viên, phụ nữ tại địa phương hiện nay cơ bản là khó khăn, đa số hội viên chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Được biết thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, con số này cho thấy mức thu nhập thấp. Theo ông, nguyên nhân là gì?

Thu nhập của xã còn khá khó khăn so với mặt bằng chung. Theo Nghị quyết đặt ra thì thu nhập bình quân là 42 triệu đồng/người/năm nhưng hiện tại chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Giáo Hiệu cũng là 1 trong 10 xã nghèo của huyện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thu nhập còn thấp là do xã không có chợ để giao thương, người dân tự cung tự cấp, chưa mạnh dạn tham gia các mô hình, các chương trình phát triển kinh tế để tăng thu nhập.

Ở địa phương có còn các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, bỏ học và một số vấn đề khác không?

Hiện nay vẫn còn số ít trường hợp tảo hôn, một số cháu còn bỏ học, một số phụ huynh còn có tư tưởng cho con ở nhà phụ giúp gia đình lao động sản xuất. Số còn lại cũng đã biết làm ăn kinh tế, cho con em đi học, tham gia các mô hình, các chương trình dự án để phát triển kinh tế hộ gia đình, một số hộ đã tự xin thoát khỏi hộ nghèo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phụ nữ muốn thoát nghèo cần thay đổi tư duy làm kinh tế - Ảnh 3.

Để đạt được các mục tiêu tiến bộ của phụ nữ thì tư tưởng, kiến thức, kỹ năng vẫn là vấn đề mấu chốt 

Xã đã triển khai công tác hỗ trợ phụ nữ nhằm đổi mới tư duy, giúp phụ nữ làm kinh tế giảm nghèo như thế nào?

Xã đã phối hợp với huyện Hội, trung tâm y tế tổ chức các lớp tập huấn về công tác phụ nữ như bảo vệ bà mẹ, trẻ em, cách làm mẹ an toàn, sinh con tại cơ sở y tế. Xã cũng cùng Hội LHPN và các đoàn thể hỗ trợ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh mô hình chị em phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đó biểu dương, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả nhằm thay đổi tư duy cũng như giúp chị em thoát nghèo bền vững.

Phụ nữ muốn thoát nghèo cần thay đổi tư duy làm kinh tế - Ảnh 4.

Nhiều lớp tập huấn về công tác phụ nữ được tổ chức

Thời gian tới, xã có những giải pháp gì để nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với phụ nữ?

Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia các mô hình, các chương trình, dự án của địa phương nhằm hướng tới thúc đẩy quyền phụ nữ, đặc biệt là đối với nhóm phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế được trả lương. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc tham gia nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Theo ông, Nhà nước cần có hỗ trợ gì cho phụ nữ dân tộc thiểu số với các mục tiêu như trên?

Phụ nữ muốn thoát nghèo cần thay đổi tư duy làm kinh tế - Ảnh 5.

Cần hỗ trợ nghề nghiệp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay để chị em làm nghề

Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội. Hội viên, phụ nữ xã Giáo Hiệu cũng luôn được sự quan tâm của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN xã. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu tiến bộ của phụ nữ thì tư tưởng, kiến thức, kỹ năng vẫn là vấn đề mấu chốt.

Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến việc hỗ trợ nghề nghiệp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay để chị em làm nghề. Đồng thời, có định hướng giải quyết đầu ra sản phẩm kinh tế để đảm bảo phát triển nghề bền vững, tạo thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm