pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Thủ đô chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quy tắc ứng xử tại di tích lịch sử
Vẻ đẹp kiến trúc của đền, chùa Bà Tấm
Ngày 16/5, Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hội LHPN đã triển khai mô hình điểm "Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả", mô hình điểm Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu và mô hình điểm Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu.
Đối với mô hình điểm Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu, mô hình được triển khai thí điểm tại một số địa điểm như: Khu di tích Đền - Chùa Bà Tấm, Đền Gióng, Làng Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Khu Di tích Đền Sóc và Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn); Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); Đền Nội Bình Đà (Thanh Oai). Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, các cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai, ra mắt mô hình tại địa bàn như: Thanh Trì (Chùa Hưng Long, Chùa Linh Quang); Hoài Đức (Chùa Hưng Phúc); Đan Phượng (Đền thờ Tô Hiến Thành; Chùa Đôi Hồi).
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn với 5.922 di tích; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố.
Tại Thủ đô Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, vẫn còn xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại bởi những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khách tham quan như việc viết, vẽ, khắc bậy lên di tích, là các hành vi khác như ăn mặc hở hang, không phù hợp khi đến các di tích có tính tôn nghiêm như đình, chùa; văng tục chửi bậy; sẵn sàng gây gổ đánh nhau; chen lấn, không xếp hàng; xả rác bãi tại các điểm tham quan, du lịch…
Tại hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm để từ đó có thể đưa ra những giải pháp hay, phù hợp, thiết trực nhằm triển khai, tổ chức mô hình Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu một cách phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất có thể, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh.
Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm
Đại diện Ban quản lý khu di tích thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai mô hình điểm Khu di tích lịch sử/Danh lam thắng cảnh kiểu mẫu cũng như những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện thời gian tới.
Đại diện Hội LHPN huyện Gia Lâm đã chia sẻ về kinh nghiệm đổi mới hình thức tham gia tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử/văn hoá. Đại diện Hội LHPN huyện Thanh Trì đã chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn xã hội hoá để xây dựng các công trình, phần việc tạo điểm nhấn trong triển khai mô hình…